Sáng nay, 17.3, câu chuyện chi phí không chính thức vẫn là vấn đề được thảo luận nhiều nhất khi Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng tổ chức họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020).
Thủ tục môi trường cải thiện chưa thực chất
Báo cáo cho biết, đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019.
Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp.
Nhóm TTHC môi trường đứng thứ ba về mức độ cải thiện, với việc tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm môi trường chưa phải thực chất.
Nhóm TTHC điều kiện kinh doanh có cải thiện chung tăng 0,2 điểm so với năm 2019 để đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI. Mặc dù thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp chưa thay đổi một cách tương xứng.
Đánh giá chung, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho rằng APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó.
Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.
"Làm thủ tục qua mạng là nhiệm vụ cấp bách"
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, đã chỉ ra một số bài học trong quá trình cải cách APCI.
Một là việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai là tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, nhất là chi phí không chính thức để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính “bởi chi phí không chính thức không những làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để chi phí này tồn tại, bao trùm trên diện rộng là cản trở cho xã hội, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp”, ông Dũng nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh: “Phải triệt để tiêu diệt chi phí không chính thức”.
Thứ 3, theo ông Dũng, muốn giảm chi phí tuân thủ thì phải chuyền tiền kiểm sang hậu kiểm. Và muốn làm điều này thì quản lý nhà nước thay vì đi bắt lỗi doanh nghiệp thì nên chuyển sang cảnh báo để doanh nghiệp không mắc lỗi.
“Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm là ví dụ. Việc thay đổi tư duy quản lý để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng đã giúp tiết kiệm 3.700 tỉ đồng/năm”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)