2020 là năm kỷ lục về các vụ nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hoá Việt Nam, nhưng Việt Nam đã bình tĩnh ứng phó và vượt qua một cách ấn tượng.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) xung quanh vấn đề này.
“Đột biến, kỷ lục nhưng không ngạc nhiên”
Thưa ông, 2020 có lẽ là năm bận rộn và đáng nhớ nhất với công tác PVTM từ trước đến nay?
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005 - 2010 mới có 21 vụ thì giai đoạn 2011 - 2015 là 52 và giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11.2020 là 100. Đặc biệt, một xu thế đang lo ngại là trong thời gian gần đây, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng hóa của Việt Nam cũng tăng lên do các nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu của ta sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM và không tạo thêm giá trị gia tăng đáng kể tại Việt Nam, như thép, nhôm, thậm chí là tôm.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế gặp khó khăn, sản xuất suy giảm thì kinh tế và xuất khẩu ủa Việt Nam tăng ấn tượng. Nên không có gì ngạc nhiên khi số vụ PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gia tăng đột biến và đạt mức kỷ lục là 39 so với 16 vụ của năm 2019. Mỹ vẫn là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 với 8 vụ; theo sau là Úc (7 vụ). Các nước như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Indonesia, Ai Cập… cũng gia tăng điều tra áp dụng các biện pháp PVTM khác nhau đối với Việt Nam.
Điều này tác động thế nào đến kim ngạch xuất khẩu của chúng ta khi những nước áp dụng nhiều biện pháp PVTM nhất cũng là những thị trường xuất khẩu chính?
Các vụ việc này đã tác động đến lượng kim ngạch xuất khẩu không nhỏ. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu bị điều tra PVTM từ năm 2000 tới nay lên tới hơn 12 tỉ USD và gây khó khăn cho nhiều DN, mặt hàng, kể cả mặt hàng xuất khẩu quan trọng như tôm, cá tra, sắt thép, nhôm, gỗ...
|
Mỹ là nước áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất thế giới đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta nên không ngạc nhiên khi đây cũng là nước áp dụng nhiều biện pháp PVTM nhất với Việt Nam với 27 biện pháp PVTM đã áp dụng. Quy mô, phạm vi điều tra PVTM của Mỹ rất rộng, phức tạp, đặc biệt khi họ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, do đó cơ quan điều tra nước này có thể không công nhận các số liệu do các ngành sản xuất, DN Việt cung cấp. Bên cạnh đó, Mỹ cũng là nước đi đầu trong việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với một số sản phẩm của Việt Nam.
Nhưng những ngày cuối 2020, đầu 2021, liên tiếp những tín hiệu tích cực xuất hiện trong các vụ việc PVTM với Mỹ, như báo cáo của USTR chưa kết luận chúng ta định giá thấp tiền tệ và DOC kết luận về vụ lốp xe. Ông bình luận gì về điều này, liệu chúng ta có nên quá lạc quan?
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác. Họ cho rằng các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Mỹ. Trong khi đó, các nước khác bị kết luận là đã bán phá giá với biên độ khá cao, từ 14,24% đến 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% - 98,44% với Đài Loan (Trung Quốc). Điều này là rất tốt và có lợi cho DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Có thể nói đây là vụ việc phức tạp nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam khi lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Việt Nam “định giá thấp tiền tệ” nhằm đem lại lợi thế cho DN xuất khẩu. Trong quá trình xử lý vấn đề này, Bộ Công thương đã chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, UBND tỉnh, hiệp hội liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho phía Mỹ để chứng minh Việt Nam không ban hành, thực thi các chính sách mang lại trợ cấp gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đồng hành với các DN sản xuất, xuất khẩu liên quan của Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác đầy đủ với DOC trong các giai đoạn tiếp sau của vụ việc để duy trì và cải thiện kết quả của vụ việc. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu hướng xử lý để việc điều tra định giá thấp tiền tệ không trở thành tiền lệ đối với các ngành hàng xuất khẩu khác của ta.
Chủ động chiến lược để sống chung với rào cản PVTM
Qua những vụ việc đó, ông đánh giá thế nào về thái độ, năng lực của DN nội với các vụ việc PVTM?
Xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian qua. Nhiều mặt hàng của chúng ta tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa của ta như tôm, cá tra, thép, gỗ... Khi gặp phải các biện pháp này, nhiều DN xuất khẩu của ta ban đầu đã rất bất ngờ và thất vọng, cho rằng bị nước nhập khẩu đối xử bất công và đây là các biện pháp bảo hộ trá hình. Phản ứng này là bình thường, đặc biệt khi chúng ta còn bỡ ngỡ với các quy định của thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là các DN Việt đã dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại đặc biệt này để tiếp tục ổn định sản xuất, xuất khẩu. Nhiều DN đã và đang thích nghi và đã có kinh nghiệm xử lý cũng như chuẩn bị chiến lược ứng phó phù hợp đối với mỗi vụ kiện. Không ít DN đã có bộ phận nhân lực về pháp luật chuyên xử lý các vụ kiện về PVTM của nước ngoài, đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu quan trọng như thủy sản, thép, dệt may...
Dù vậy, vẫn còn một số DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ PVTM do cho rằng không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày. Vấn đề này cần có thời gian và phải được cải thiện một cách có hệ thống.
Nhận thức và sự tham gia của DN đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định tới kết luận của vụ việc. Ngay cả khi có kết luận sơ bộ và kết luận chính thức, việc chủ động theo dõi và tuân thủ quy định của nước nhập khẩu, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công thương, cơ quan điều tra nước ngoài là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi ích chính đáng của các DN xuất khẩu.
Vậy Bộ Công thương đã và đang làm gì để DN Việt có thể yên tâm sống chung với các vụ việc PVTM, tránh những tổn thất lớn khi bị trừng phạt?
Chính phủ đã khẳng định quyết tâm không để các DN ngoại lợi dụng Việt Nam làm điểm trung gian nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM thông qua việc ban hành Đề án 824 trong năm 2020. Thực hiện đề án nayf, Bộ Công thương đã xây dựng danh sách cảnh báo gửi tới các bộ, ngành, UBND các tỉnh danh sách 14 mặt hàng, trong đó có 4 mặt hàng đã bị kiện PVTM gồm: Thép chống ăn mòn; gỗ dán; lốp xe ô tô; ống đồng. Bộ Công thương cũng thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ cũng như đang phối hợp xây dựng đề xuất về khai báo xuất khẩu tự nguyện với các đối tác thương mại lớn.
Trong các vụ kháng kiện, Cục PVTM đã chủ động hỗ trợ DN thông qua các hoạt động như cảnh báo sớm; trao đổi thường xuyên với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc. Chúng tôi cũng tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN; gửi thư tham vấn đưa ra quan điểm ngoại giao và phân tích kỹ thuật về số liệu trước cơ quan điều tra của nước ngoài đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của WTO.
Ngoài ra, Cục đã tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo phổ biến kiến thức về PVTM cho các DN trên khắp cả nước, nhất là các địa bàn tập trung nhiều DN sản xuất, xuất khẩu như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…
Với các nỗ lực đồng hành cùng DN vượt qua rào cản phòng vệ thương mại chúng ta hoàn toàn có thể tự tin bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng nhất từ trước đến nay của đất nước.
Bình luận (0)