Doanh nghiệp xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá, ngân hàng được phong tỏa

17/11/2023 20:05 GMT+7

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng quỹ theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương. Ngân hàng được phép phong tỏa tài khoản quỹ của doanh nghiệp.

Đó là một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, được Chính phủ ban hành ngày 17.11. 

Theo Nghị định 80/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện tuân thủ các quy định tại nghị định này.

Doanh nghiệp phải mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngân hàng được 'phong tỏa' - Ảnh 1.

Nghị định 80/2023 có nhiều quy định chi tiết siết chặt quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

PHAN HẬU

Cụ thể, Nghị định 80/2023 quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập quỹ; hạch toán và theo dõi riêng quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản quản lý, đảm bảo bảo toàn số dư quỹ.

Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương. Ngân hàng được phép thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp.

Nghị định 80/2023 quy định, định kỳ 6 tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Báo cáo kiểm toán chuyên đề Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bao gồm các nội dung: số dư quỹ đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo; tổng số tiền trích lập quỹ trong kỳ báo cáo; tổng số tiền chi sử dụng quỹ trong kỳ báo cáo; tiền lãi phát sinh trên số dư quỹ dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; số dư quỹ cuối kỳ báo cáo. Chi tiết sao kê tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo; báo cáo kiểm kê sản lượng, chủng loại xăng, dầu thực hiện trích lập, chỉ sử dụng quỹ của từng kỳ điều hành.

Định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công thương tình hình thực hiện quỹ của tháng trước liền kề.

Báo cáo này gồm: số dư quỹ đầu kỳ báo cáo; tổng sản lượng, chủng loại xăng, dầu được thực hiện trích lập, chỉ sử dụng trong kỳ báo cáo; tổng số tiền trích lập quỹ trong kỳ báo cáo; tổng số tiền chi sử dụng quỹ trong kỳ báo cáo; tiền lãi phát sinh trên số dư quỹ dương hoặc âm trong kỳ báo cáo; số dư quỹ cuối kỳ báo cáo. Thương nhân đầu mối gửi kèm bản sao kê tài khoản quỹ trong kỳ báo cáo; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác về số liệu, thông tin báo cáo.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và báo cáo, công khai theo quy định tại Nghị định 80/2023 và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có vi phạm, căn cứ mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính.

Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển quỹ hoặc không thực hiện kết chuyển quỹ sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.