Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều quy định, chính sách cũng như việc thực thi của các cán bộ Nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, chưa có hành lang pháp lý cho condotel; chưa thể chế hoá quy định bảo lãnh thanh toán trong hợp đồng xây dựng; vẫn còn tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện...
Bên cạnh đó, các thủ tục về giấy phép xây dựng, thủ tục xin cấp phép xây dựng… còn rất phức tạp.
Đáng chú ý, theo ông Lộc, VCCI tổ chức khảo sát hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh hàng năm cho thấy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp phải có mối quan hệ với chính quyền để thuận tiện khi kinh doanh trong ngành xây dựng.
“Có đến 74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để tiếp cận thông tin. Tình trạng cán bộ nhà nước ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, ưu ái các doanh nghiệp thân quen trong ngành xây dựng ở mức tương đối cao. Các doanh nghiệp xây dựng là những doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ”, ông Lộc cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đóng góp tới 11% vào GDP, nhưng còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Ông Hiệp cho biết các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam như “lạc vào mê hồn trận” thủ tục hành chính, không biết phải làm thế nào.
“Một dự án phải làm thủ tục đất đai với Bộ Tài nguyên - Môi trường; liên quan đến xây dựng là Bộ Xây dựng quản lý; cơ quan cảnh sát quản lý vấn đề phòng cháy chữa cháy; Bộ Quốc phòng quản lý vấn đề chiều cao lưu không của công trình; Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý vấn đề liên quan đến đấu thầu đầu tư công… Với ngần ấy cơ quan ban ngành, có thể dễ dàng hình dung ra được các thủ tục phức tạp thế nào. Trong khi đó, tính nhất quán của các luật chưa cao. Đấy là còn chưa kể đến các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… Như vậy, đủ để thấy doanh nghiệp phải bở hơi tai làm thủ tục cho một dự án”, ông Hiệp ngán ngẩm.
Dẫn ví dụ cụ thể ở TP.Hà Nội, ông Hiệp cho hay muốn triển khai một dự án, doanh nghiệp thường phải mất 2-3 năm mới khởi công xây dựng được, với quá nhiều thủ tục liên quan từ các sở, ngành.... Do vậy, quy định hoàn thành thủ tục 1 cửa dưới 15 ngày gần như không thực hiện được.
PGS-TS Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng, Tổng Hội xây dựng Việt Nam, cho biết thêm, việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang rất phức tạp. Thủ tục thực hiện dự án khó khăn tạo ra cơ chế xin - cho, do đó cần hạn chế những quy định chung chung, tạo ra kẽ hở xin - cho này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng sẽ lắng nghe một cách cầu thị, giải quyết các vướng mắc từng bước, theo hệ thống và trên tinh thần là sửa một cách toàn diện, phục vụ xã hội, liên quan đến nhiều luật, nhiều bộ ngành. Bộ Xây dựng sẽ tập hợp ý kiến, xin ý kiến Chính phủ vào ngày 2.4 để sau đó trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về đề xuất sửa đổi vào kỳ họp thứ 5 tới.
Bình luận (0)