Miếng bánh ngon chỉ dành cho người dũng cảm
|
Song, FPT cũng đã trải qua nhiều sóng gió khi ngủ quên trên chiến thắng. Lên sàn chứng khoán, niêm yết, giá cổ phiếu tăng phi mã, nhiều lãnh đạo trở thành triệu phú có lẽ đã khiến những đồng lương, thưởng chỉ còn là một con số nhỏ nhoi trong bảng tổng tài sản cá nhân… Tinh thần chiến đấu của nhiều người FPT đã bị giảm sút; không mạnh dạn đầu tư vào những hướng kinh doanh mới, không quyết tâm mở rộng thị trường, không tin vào việc có thể làm giàu bằng công nghệ, không gắng sức vượt lên trên những khó khăn để giành lấy cơ hội. Tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành, bung ra quá nhiều lĩnh vực bỏ quên “hạt nhân” CNTT và viễn thông, biến FPT trở thành một công ty “bán buôn máy móc và thiết bị phụ tùng”.
2 năm trở lại, FPT bắt đầu “bẻ lái” dần lấy lại vị thế thời hoàng kim của mình. Để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, công ty bắt đầu chuyển dịch từ cung cấp dịch vụ CNTT thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số. FPT chính thức công bố chiến lược mới với tầm nhìn trong 10 năm tới lọt vào top 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu. Mục tiêu gần hơn là đến năm 2021 đạt 1 tỉ USD từ dịch vụ công nghệ. Lãnh đạo FPT cho biết, với tốc độ tăng trưởng của khối công nghệ luôn đạt trên 20%/năm như hiện nay, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi. Tính trên biên lợi nhuận lĩnh vực này đạt xấp xỉ 13%, riêng khối công nghệ có thể đem lại 3.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế cho FPT.
“Trong cuộc cách mạng số, FPT có nhiều lợi thế lột xác để vươn cao và xa hơn nữa. Chúng tôi đã sẵn sàng và tự tin chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số, hướng đến tương lai trở thành các công ty hàng đầu về tư vấn chuyển đổi số như Accenture, Deloite DX…”, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình rất tự tin phát biểu tại đại hội cổ đông diễn ra đầu năm 2019.
Ngược về năm 2009, khi ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới di động (MWG), tuyên bố muốn làm một cuộc cách mạng trong ngành điện thoại di động ở VN, mọi người đều cười. Nhưng giờ đây, công ty của ông đã trở thành hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu VN và là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với vốn hóa 1,7 tỉ USD, luôn dẫn đầu trong top 50.
Để hiện thức hóa giấc mơ doanh thu 10 tỉ USD năm 2022, Thế giới di động đã làm gì? Họ sẵn sàng đưa công nghệ mới vào quản trị, kinh doanh. Thegioididong.com và dienmayxanh.com đạt gần 50 triệu lượt truy cập mỗi tháng là thành tố quan trọng trong mô hình bán lẻ đa kênh (omni-channel). Theo số liệu thống kê từ Google Analytics, trang thegioididong.com vẫn duy trì lượt truy cập ổn định từ đầu năm 2017 đến nay, thu hút 30 - 35 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Trong khi đó, dienmayxanh.com ghi nhận đột phá từ 8 triệu lượt truy cập từ đầu năm 2017 lên gấp đôi, vượt ngưỡng 16 triệu lượt truy cập trong tháng 6 vừa qua. Các kênh online là nền tảng giúp Thế giới di động quảng bá sản phẩm, chia sẻ thông tin về các chương trình khuyến mãi, pre-order nhanh chóng, rộng rãi và dễ dàng hơn đến người tiêu dùng. Ngược lại, các cửa hàng đóng vai trò là service-hub (trung tâm dịch vụ) hỗ trợ kênh online các khâu giao hàng, bảo hành, chăm sóc khách hàng… nhằm mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm thoải mái nhất.
Kết quả, cứ tính trung bình mỗi năm MWG tăng trưởng doanh thu khoảng 50%, thì sẽ thấy mục tiêu 10 tỉ USD không phải xa vời.
Dám thay đổi cho một cuộc chơi lớn
Cuộc CMCN 4.0 đang thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống trên tất cả mọi lĩnh vực. Dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt các doanh nghiệp Việt trước những nguy cơ, thách thức như việc tụt hậu về công nghệ, trình độ quản trị chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế…
FPT, Thế giới di động có thể xem là “ông lớn” tư nhân của VN, song nếu nhìn sang nước Nhật, nhiều công ty nhỏ bé, ít được biết tới của xứ sở này (có doanh thu khoảng vài trăm triệu tới tỉ USD) như Tokyo Electron, Shin Etsu, Lasetec… lại đang nắm giữ vị thế độc tôn trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Nếu so với Facebook, Amazon, Apple, Google… chưa biết đến khi nào chúng ta mới đuổi kịp nếu không thực sự có được sự lột xác, đột phá.
Sẵn sàng đổi mới, đột phá để đi tắt đón đầu, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều tâm tư đối với chính sách phát triển CMCN 4.0. Được biết đến với vai trò là một start-up công nghệ thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực gọi xe đang gặt hái được nhiều thành công trong thời gian vừa qua với ứng dụng gọi xe "be", Tổng giám đốc Tập đoàn Be Group Trần Thanh Hải kiến nghị : “Thay vì gia công cho người nước ngoài như trước kia thì bây giờ chúng ta phải có những ứng dụng riêng của VN, Be Group đang đầu tư nghiêm túc cho những nguồn lực để phát triển các ứng dụng. Hiện nay, nếu cứ chiếu theo khung pháp lý hiện hành thì chúng tôi sẽ bị chậm hơn so với các đối thủ nước ngoài. Cái mà doanh nghiệp rất cần là khung pháp lý. Ngoài ra, điều chúng tôi cần nữa đó là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy sáng tạo các ứng dụng CNTT, thuế, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT".
Là đơn vị đang tư vấn xây dựng cho khoảng 20 đô thị thông minh, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Trung tâm giải pháp, tích hợp hệ thống thuộc Công ty công nghệ thông tin VNPT, nêu thách thức đối với việc xây dựng đô thị thông minh tại VN là việc chưa hình thành nên các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn do tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đang bị phân tán, cát cứ tại nhiều ngành, số lượng các ứng dụng, dịch vụ được tích hợp còn thấp, chưa kết nối liên thông. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để xây dựng đô thị thông minh rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp mong muốn sớm có các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về đô thị thông minh. Các địa phương phải có hệ thống cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin riêng tư phải được đảm bảo...
Bình luận (0)