Doanh nhân viết và viết về doanh nhân, khó hay dễ ?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
06/10/2022 07:27 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân VN 13.10, sáng 5.10 tại TP.HCM, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hội Nhà văn TP.HCM, Công ty Đường sách TP.HCM, Hội đồng Sách Doanh nhân, Hội Xuất bản VN - Văn phòng đại diện phía nam tổ chức tọa đàm “Doanh nhân viết và viết về doanh nhân”, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.

Ông Trần Hoàng, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, khẳng định: “Đời doanh nhân, từ khi khởi nghiệp đến lúc thành công hay chưa thành công rất phong phú về tri thức và kinh nghiệm. Sách do họ viết (hoặc người khác viết về họ) là từ câu chuyện thực tiễn của quan điểm kinh doanh, tầm nhìn, chiến lược, ý chí, bài học kinh nghiệm thất bại - thành công… của mình. Nó rất đáng giá và đáng quý cho sinh viên (thế hệ doanh nhân trong tương lai) và cho cả những doanh nhân hiện tại học tập, vận dụng”.

Tác giả, doanh nhân Phạm Minh Thông phát biểu tại buổi tọa đàm, bên cạnh là hình ảnh cuốn sách bán chạy của anh

QUỲNH TRÂN

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, cho rằng: “Qua sự trải nghiệm, qua cuộc đời thăng trầm, qua sự được - mất và cả những trăn trở, ưu tư, những hoài mong, khát vọng của doanh nhân, nhà văn có thể nắm bắt được những mạch nguồn có giá trị nhân văn và tác phẩm văn chương có thể được hình thành, in thành sách và quyển sách đó có thể tạo nên giá trị tinh thần quý báu cho hôm nay và có thể còn giá trị đến mai sau”.

Tổng giám đốc Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh băn khoăn: “Hiện nay sách về doanh nhân chiếm tỷ lệ rất, rất nhỏ trên thị trường ở nước ta, trong khi ở nước ngoài nhiều tác phẩm của doanh nhân lại thuộc vào hàng bestseller, ngay cả khi được chuyển ngữ và xuất bản tại VN. Đó là điều đáng suy ngẫm”.

“Quan niệm doanh nhân ít có năng lực viết sách và viết tốt là sai hoàn toàn, trong khi họ có đầy sự trải nghiệm, vốn sống và góc nhìn độc đáo, thậm chí một số người còn biết cách kể chuyện hấp dẫn để lôi cuốn người đọc…”, ông Quỳnh chia sẻ thêm.

Từng đạt con số phát hành 13.000 bản cho tác phẩm Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh và mới đây nhất là Vượt lên những con đường kinh doanh (in 10.000 bản và đã bán được 7.000 cuốn), tác giả Phạm Minh Thông không “ngủ quên trên chiến thắng” mà anh còn mạnh dạn dịch các tác phẩm ra tiếng Anh gửi chào mời đối tác ở nước ngoài tìm kiếm cơ hội quảng bá. “Thật hạnh phúc khi những đứa con tinh thần của tôi sắp tới sẽ được các nhà xuất bản uy tín của Anh, Đức giới thiệu đến bạn đọc”, tác giả Phạm Minh Thông tiết lộ.

Có ý kiến tại buổi tọa đàm cũng cho rằng thông qua sách - các tác phẩm do doanh nhân viết hoặc sách viết về doanh nhân - cũng là một cách để công chúng hiểu hơn về những gian khó và đồng cảm với lực lượng doanh nhân trong thời đại mới. Đặc biệt, dưới các góc nhìn của nhà văn, hình ảnh doanh nhân sẽ trở nên gần gũi và bình dị với công chúng.

“Viết về doanh nhân đúng là khó. Đường đi một quyển sách viết về doanh nhân đến với công chúng cũng là câu chuyện đáng bàn. Nhà văn không phải là người viết thuê (trừ khi họ tự nguyện) mà đồng sở hữu tác phẩm. Sự thành công của tác phẩm, sách “lăn” vào tay nhiều bạn đọc sẽ mang lại sự khích lệ, động viên về tinh thần lẫn vật chất cho những người cùng kiến tạo nên tác phẩm”, nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.