'Gặp gỡ tháng 10', nóng chuyện ‘Doanh nhân viết và viết về doanh nhân’

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/10/2022 12:14 GMT+7

Sáng 5.10, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM, Đường sách TP.HCM, Hội đồng Sách Doanh nhân, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tọa đàm Doanh nhân viết và viết về doanh nhân , với nhiều tranh luận sôi nổi.

Tọa đàm Doanh nhân viết và viết về doanh nhân là sự kiện tiếp nối hoạt động của Tuần lễ Doanh nhân và Sách do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hằng năm từ năm 2020. Tọa đàm Doanh nhân viết và viết về doanh nhân cũng là hoạt động đầu tiên nằm trong chương trình Gặp gỡ tháng 10 với chủ đề Con đường chúng ta đi, hướng tới kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.2022.

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm

quỳnh trân

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khẳng định: “Đời doanh nhân, từ khi khởi nghiệp đến lúc thành công hay chưa thành công rất phong phú về trí thức và kinh nghiệm. Sách do họ viết (hoặc người khác viết về họ) là từ câu chuyện thực tiễn của quan điểm kinh doanh, tầm nhìn, chiến lược, ý chí, bài học kinh nghiệm thất bại thành công của mình. Nó rất đáng giá và đáng quý cho sinh viên (thế hệ doanh nhân trong tương lai) và cho cả những doanh nhân hiện tại học tập, vận dụng”.

Còn nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM thì cho rằng: “Nhà văn và doanh nhân, tuy khác nhau về nghề và cũng không giống nhau về nghiệp, nhưng chúng ta có cùng chung triết lý hành động: Với tác phẩm sáng tạo của mình - giá trị vật chất và giá trị tinh thần, chúng ta góp phần đem lại giá trị thụ hưởng cho con người, cho cộng đồng, cho dân tộc và có thể vượt qua ranh giới của quốc gia, chúng ta, nhà văn và doanh nhân, còn có thể góp giá trị từ sản phẩm sáng tạo của mình cho cộng đồng lớn hơn - cho cả nhân loại.

Mỗi cuốn sách của doanh nhân để lại là một giá trị kinh doanh để lại

Được biết, trong thời gian qua, Hội đồng Sách Doanh nhân cũng đã phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thực hiện được rất nhiều hoạt động cổ vũ cho việc đọc và viết sách trong cộng đồng, trong đó có chương trình: Hành trang lập nghiệp qua những trang sách. Đây là chuỗi sự kiện, mà doanh nhân trực tiếp giao lưu với các em sinh viên tại các trường đại học, xoay quanh các chủ đề về giá trị của sách, văn hóa đọc, câu chuyện khởi nghiệp và thành công... Cùng với đó là chương trình bình chọn Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp Top 10 quyển sách đáng đọc.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết thêm: “Sách viết về doanh nhân Việt Nam phổ biến vài năm gần đây chủ yếu là tập hợp những bài viết nhỏ lẻ, chia sẻ những bí quyết thành công hoặc những kinh nghiệm làm giàu Dành tặng doanh nhân trong thế trận toàn cầu của Alan Phan, Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam của Nguyễn Xuân Xanh, Giữa dòng xoáy cuộc đời của Phan Thế Hải, Những người làm chủ số 1 Việt Nam của Đàm Linh… Cá biệt có cuốn Liên – Người được chọn của nhóm tác giả Y Ban, Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy viết về “nữ hoàng bảo hiểm” Đỗ Thị Kim Kiên nổi tiếng với danh xưng Shark Liên trong chương trình Thương vụ bạc tỷ trên sóng truyền hình”.

Tọa đàm Doanh nhân viết và viết về doanh nhân là sự kiện tiếp nối hoạt động của Tuần lễ Doanh nhân và Sách do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh vừa là doanh nhân nhưng cũng là tác giả của nhiều tựa sách viết về doanh nhân, khởi nghiệp hay được độc giả lùng mua

QUỲNH TRÂN

Ông Lê Thiếu Nhơn tổng kết: “Sách do doanh nhân viết đa dạng và phong phú hơn. Trừ những cuốn được người khác chấp bút mà doanh nhân in ấn và lưu hành trong phạm vi hẹp như món quà kỷ niệm, thì độc giả biết đến những tác phẩm tiêu biểu Bầu trời không chỉ có màu xanh của Lý Quí Trung từng là hiện tượng khởi nghiệp với thương hiệu Phở 24, Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh của Phan Minh Thông – chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, Gian truân chỉ là thử thách của Hồ Văn Trung - chủ tịch Tập đoàn Trangs, Tình yêu Gia đình Sự nghiệp của Nguyễn Thị Sơn – người sáng lập Tập đoàn Sơn Kim, Tôi, dòng sông và những cánh đồng của Nguyễn Hồng Lam – chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, Chuyện nhà Dr Thanh của Trần Uyên Phương – ái nữ Tập đoàn Tân Hiệp Phát... Ngoảnh lại hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, đã có vài tiểu thuyết viết về doanh nhân xuất hiện và tạo được tiếng vang trong đời sống như tiểu thuyết Cuộc đời dài lắm của nhà văn Chu Lai với nhân vật chính Hà Nguyên lấy nguyên mẫu từ doanh nhân Hà Nguyên Cát – giám đốc Công ty cao su Phú Riềng, hoặc tiểu thuyết Nợ đời của nhà văn Hoàng Dự với nhân vật chính Hải lấy nguyên mẫu từ doanh nhân Nguyễn Hữu Khai – chủ tịch Tập đoàn y dược Bảo Long”.

Khách mời tham dự hội thảo Doanh nhân viết và viết về doanh nhân diễn ra tại TP.HCM sáng 5.10 là những văn nghệ sĩ nổi tiếng, doanh nhân thành đạt

quỳnh trân

Mặc dù được độc giả đón nhận tương đối nồng nhiệt, nhưng tiểu thuyết lấy doanh nhân làm nhân vật chính vẫn giống như một phép thử đối với người viết: “Các trường đại học ngày nay, đa phần là lấy những cuốn sách ngoại văn, gương doanh nhân nước ngoài để giảng dạy hoặc truyền cảm hứng cho sinh viên. Điều ấy tốt nhưng chưa trọn vẹn, khi văn hóa và thể chế chính trị của Việt Nam chúng ta khác với họ. Do vậy, đứng ở góc nhìn này, việc có nhiều sách hay của doanh nhân Việt phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, truyền cảm hứng cho người học là rất quan trọng. Theo chúng tôi, doanh nhân Việt Nam tham gia viết sách hoặc làm nhân vật để viết thành sách dù ở bất kỳ quy mô doanh nghiệp như thế nào cũng là một hoạt động cộng đồng tri thức rất ý nghĩa. Chúng tôi tin rằng, mỗi doanh nhân là một cuốn sách sống và mỗi cuốn sách của doanh nhân để lại là một giá trị kinh doanh để lại”, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng đúc kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.