Nhờ võ vương chỉ điểm
Ông Can sinh ra trong gia đình nghèo, cha lại mất sớm. Năm 20 tuổi, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Chín khi đó mới 16 tuổi. Mỗi lần đi làm đồng, ông Can hay bị người khác hiếp đáp nên quyết tâm học võ để phòng thân. Nghe danh võ sư Hà Trọng Sơn, ông Can đến xin làm đệ tử. Theo học khoảng 5 năm thì ông được thầy Hà Trọng Sơn cho đi đấu đài. Sau nhiều trận thượng đài, thắng hay bại đều có nhưng ông Can nhận ra khả năng võ thuật của mình còn nhiều hạn chế, nhất là kỹ thuật thượng đài của quyền anh cần lối đánh hiện đại của võ Tây.
“Khi đó, tôi nghe thầy Trịnh Thiếu Anh ở H.Hoài Nhơn là người đánh đài nổi tiếng trong tỉnh Bình Định nên tìm hiểu. Thầy Anh từng thượng đài thất bại trước thầy Sơn, nhưng lối đánh của ông rất hiện đại, thích hợp với luật thi đấu quyền anh nên tôi mời ổng về nhà chỉ dạy. Thầy Anh ở lại chỉ cho tôi đúng 1 tuần nhưng đòn thế rất bổ ích”, ông Can kể.
Năm 1970, ông Trần Can có trận thượng đài với võ sĩ Hoàng Phi (người ở H.Tuy Phước, Bình Định). Trận này do võ sư Minh Cảnh, nhà vô địch Đông Dương về quyền thuật, được mệnh danh là Võ vương Minh Cảnh, làm trọng tài. Mới vào hiệp đấu thứ nhất, sau vài giây thăm dò đối thủ, võ sĩ Hoàng Phi dùng gối tấn công đối thủ ngay nhưng ông Can né được. Thấy đối thủ sớm lộ ra điểm yếu, ông Can cười mỉm. Võ sư Minh Cảnh đứng trên đài liền nhắc nhở “Đừng cười!”. Ngay sau đó, võ sĩ Hoàng Phi lại tấn công lần nữa nhưng lập tức bị ngã gục do dính đòn hiểm của ông Can, phải đưa đi cấp cứu.
“Sau trận này tôi biết võ sư Minh Cảnh có cảm tình với mình. Còn tôi thì quá biết khả năng thượng đài bất bại của võ sư Minh Cảnh nên liền mời ông về nhà chơi, chỉ dạy cho tôi. Võ sư Minh Cảnh đến nhà tôi ở một tuần và đã chỉ cho tôi rất nhiều kỹ thuật đánh đài độc đáo. Không những là người giỏi đấu đài, võ sư Cảnh còn cư xử với học trò rất tốt, rất nhiệt tình chỉ dạy nên tôi và nhiều võ sĩ biết ơn ông”, võ sư Trần Can nói.
tin liên quan
Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Suýt bỏ mạng vì bị trả thùBất bại trên sàn đấu nhưng võ sư Phi Long (73 tuổi, ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, H.Tây Sơn, Bình Định) đã nhiều lần bị đối thủ đánh “chết đi sống lại” để trả thù.
Trận đài 5 cây vàng
Trong cuộc đời mình, võ sư Trần Can nhớ nhất là trận thượng đài với võ sĩ Lê Thanh Tùng, tay đấm được mệnh danh là “độc cô cầu bại” ở đất Sài Gòn thời bấy giờ. Khoảng năm 1970, võ sĩ Lê Thanh Tùng ra Quy Nhơn thách đấu nhưng không có võ sĩ nào nhận lời. Võ sư Hà Trọng Sơn vì mâu thuẫn với ban tổ chức nên không ra mặt. Sau đó, võ sĩ Lê Thanh Tùng lên Gia Lai, dựng đài tại Pleiku để thách đấu. Lần này, võ sĩ Trần Can của võ đường Hà Trọng Sơn nhận lời thượng đài. Lúc đó ông Trần Can 40 tuổi, võ sĩ Thanh Tùng nhỏ hơn vài tuổi nhưng đã nổi danh trong giới võ thuật, đòn chân của Thanh Tùng rất đáng sợ trong những trận thượng đài.
“Phó tỉnh trưởng bảo an của Gia Lai lúc đó là một người Sài Gòn, ông ta rất mến Lê Thanh Tùng. Tiền độ các trận đài thời đó thường được chia 12 - 8 (thắng nhận 12, thua nhận 8) nhưng ông phó tỉnh trưởng nghĩ rằng Lê Thanh Tùng thắng chắc nên tuyên bố người thắng sẽ nhận hết, còn người thua trắng tay. Trọng tài của trận đấu cũng là người cùng võ đường với Lê Thanh Tùng. Nhưng trận này tôi đã đánh thắng Lê Thanh Tùng, tiền thưởng tương đương 5 cây vàng thì người khác lấy mất, tôi chẳng được xu nào. Nhưng hồi đó nhiều người đặt cửa cá độ là tôi thắng Thanh Tùng thì lại trúng lớn, họ thưởng riêng cho tôi rất nhiều, tiêu mấy tháng sau không hết”, ông Can kể.
Ông Can kể, Lê Thanh Tùng rất thượng võ, tôn trọng chiến thắng của đối thủ mà không hề cay cú hay sợ mất danh tiếng “độc cô cầu bại” của mình. Hai người sau đó rất quý nhau. “Sau nhiều năm sống ở Mỹ, năm 2015 ông Tùng có về VN rồi đến Bình Định để thăm tôi, nhưng đáng tiếc lại tìm không ra nhà. Khi ông Tùng đi rồi tôi mới nghe có người nói lại với mình”, ông Can tiếc nuối.
Bài học từ sự chủ quan
Sau trận đấu với Lê Thanh Tùng, ông Can lại nhận lời thách đấu với võ sĩ Thanh Hồng (người gốc Quảng Ngãi, học võ tại Sài Gòn). Trận đấu diễn ra tại H.Tuy Phước. Vào trận, ông Can quật ngã được Thanh Hồng, khiến đối phương chỉ còn cách đưa hai tay lên thủ để bảo vệ mặt. Ông Can dùng đòn chân tiếp tục tấn công nhưng lại để bàn chân trúng vào cùi chỏ của Thanh Hồng. Do trúng huyệt nên bàn chân ông Can bị tê, không tiếp tục thi đấu được, đành chịu thua. “Kỹ thuật đánh của Thanh Tùng cao hơn rất nhiều so với Thanh Hồng, nhưng khi lâm trận với Thanh Hồng thì tôi lại chủ quan, tự mình để bàn chân dính vào cùi chỏ đối phương. Đó là một bài học cho tôi cũng như nhiều võ sĩ, khi lên đài thì không bao giờ được chủ quan”, võ sư Trần Can tâm sự.
|
tin liên quan
Độc cô cầu bại của võ thuật Việt Nam: Điểm mạnh của võ ViệtNăm 1968, võ sư Phi Long (ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, H.Tây Sơn, Bình Định) đoạt chức vô địch võ thuật Đông Dương và có trận thượng đài đáng nhớ với một võ sĩ người Thái.
Bình luận (0)