Vì thế hệ đời sau
Về mục đích xây dựng bảo tàng thủy sản, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai nói: “Nhận thấy sông Đồng Nai có nguồn lợi thủy sản rất phong phú, dồi dào; nhưng do nhiều lý do mà nguồn lợi này ngày càng cạn kiệt, một số loài thủy sản dần khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Với mong muốn tạo ra một cái gì đó để lưu giữ cho thế hệ đời sau học tập, tìm hiểu; năm 2005 Ban giám đốc Bảo tàng Đồng Nai đã quyết định xây dựng bộ sưu tập này. Đây chủ yếu là những loài thủy sản có nguồn gốc hoặc sinh sống trên sông Đồng Nai, kể cả vùng nước lợ ở Nhơn Trạch, ngoài ra còn có một số loài sinh sống ở ao, hồ, suối trên địa bàn.”
|
|
Với sự giúp sức của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đồng Nai, hằng năm tùy theo kinh phí mà bảo tàng đặt hàng với Chi cục để tìm kiếm đem về làm giàu cho bộ sưu tập. “Do kinh phí có hạn không thể trong một thời gian ngắn mà sưu tập được hết nên mỗi năm chúng tôi chọn lựa ra vài loài nhưng quan điểm là loài nào khan hiếm, sắp có nguy cơ tuyệt chủng thì tìm trước”, bà Lâm Thị Vân Thoa- Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản Bảo tàng Đồng Nai cho biết.
Bảo quản cũng lắm công phu
Sau hơn 6 năm thực hiện (bắt đầu sưu tầm từ năm 2006), đến nay bộ sưu tập độc đáo và hiếm hoi trên cả nước đã đạt cao số 1.065 tiêu bản trên 84 loài. “Với những loài có hình dạng, kích thước lớn hoặc khó tìm thấy thì chúng tôi chỉ lưu giữ một đến hai cá thể. Nhưng với những loài có kích thước khiêm tốn và dễ dàng tìm thấy thì lưu giữ nhiều hơn. Ví dụ như như cá chình bông, cá leo, cá ét, cá đù…thì chỉ có một hai tiêu bản nhưng đối với những loài như cá lòng tong, tép, ốc…thì số lượng nhiều hơn, có khi gần đến trăm con.”, bà Thoa hóm hỉnh nói.
Chỉ vào những loài thủy sản đang nằm trong bể kính với hình dáng thực và sinh động y như thật, nhân viên bảo tàng dẫn tôi lên tham quan cho biết : “Để làm nên một tiêu bản đủ trưng bày trong tủ kính như thế này phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp và tỉ mỉ đó là tiêm phooc môn(formaline) và xử lý hóa chất bảo vệ để chống thối rữa phân hủy, sau đó mới cho vào tủ kính và bảo quản ở phòng máy lạnh. Ngoài ra cứ tới định kỳ nhân viên bên Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đồng Nai lại sang kiểm tra, bảo quản, nếu có gì trục trặc là xử lý ngày nhưng rất là mừng vì từ trước tới nay chưa xảy ra sự cố nào.”
Với số lượng tiêu bản đã thu thập được hiện nay bà Hồng cho biết về cơ bản đã hoàn thiện và bảo tàng sẽ cố gắng đem ra trưng bày trong thời gian sớm nhất. Bây giờ chủ yếu tập trung phương án nghiên cứu xây dựng một căn phòng phù hợp, khoa học về không khí và không gian để không gây hại tiêu bản và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham quan.
Lê Lâm
>> Bảo tàng sống về Hoàng Sa
>> Đề xuất mô hình “Bảo tàng sinh thái lịch sử” ở Huế
>> Trao tặng bảo tàng hiện vật chiến tranh
>> Bảo tàng làm du lịch di sản
>> Bảo tàng nhỏ, tầm nhìn lớn
Bình luận (0)