Độc đáo chè dây của người Cơ Tu

19/04/2016 19:19 GMT+7

Cây chè dây Ra Zéh có ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng ở vùng xã Tư (Đông Giang, Quảng Nam) của người Cơ Tu lại ngon lạ lùng, với nhiều công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Cây chè dây Ra Zéh có ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng ở vùng xã Tư (Đông Giang, Quảng Nam) của người Cơ Tu lại ngon lạ lùng, với nhiều công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Bà Thước bắt đầu chặt bỏ 1 ha keo của mình để thử nghiệm trồng chè dây theo đề án của xãBà Thước bắt đầu chặt bỏ 1 ha keo của mình để thử nghiệm trồng chè dây theo đề án của xã
Thảo dược vùng cao
Chè dây Ra Zéh xuất hiện ở vùng núi xã Tư từ rất lâu. Nhưng chỉ người bản địa Cơ Tu trong vùng mới biết được công hiệu của loại chè dây Ra Zéh này. Mỗi lần lên núi về, thế nào cũng phải gùi theo mấy bó chè dây Ra Zéh to bự để về cả nhà uống. Đau bụng, đau dạ dày, mất ngủ, phụ nữ mới sinh dậy... đều uống chè dây Ra Zéh. Phụ nữ trong vùng đỏ da thắm thịt là nhờ đều uống chè dây Ra Zéh như một loại nước dùng thường ngày. Cho đến một ngày công dụng của chè dây Ra Zéh được lan truyền đi nhiều vùng, người ở các nơi đổ xô đến vùng núi của xã Tư để săn tìm chè dây. “Không hiểu vì sao mà chè dây Ra Zéh cũng có ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng vùng này loại chè dây lại ngon lạ lùng. Chè dây Ra Zéh có thể pha ra để 5 ngày cũng không bị ôi thiu, uống vào có vị đắng nhưng một lúc lại thấy ngọt dịu dễ chịu nơi đầu lưỡi. Và thực sự khi uống chè dây Ra Zéh, hầu hết những người bị các bệnh về đường ruột, mất ngủ đều dứt bệnh, nên chè dây Ra Zéh trở thành thứ thảo dược được nhiều người săn tìm”, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tư, cho hay.
Công hiệu của chè dây Ra Zéh được lan truyền nhanh chóng, khiến loại thảo dược này cũng trở nên có giá trị. Chè dây hái về phơi khô có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, người mua nườm nượp đến tìm mua. Vì vậy, người dân trong vùng và cả những vùng lân cận đổ xô lên núi để tìm chè dây Ra Zéh. Việc khai thác ồ ạt loại thảo dược này khiến vùng chè dây tại xã Tư có nguy cơ cạn kiệt. Bà Đinh Thị Thước (trú thôn Điềm, xã Tư), một trong những gia đình nổi tiếng khai thác chè dây Ra Zéh, cho hay trước đây bà và gia đình làm nghề mót vàng. Thời gian gần đây cả nhà bà đi săn chè dây, có ngày tìm được 6 - 7 kg. “Thu nhập cao nên cả nhà ham đi. Nhưng giờ thì ít rồi, đông người khai thác nên cũng không còn. Ngày nào ráng kiếm thì nhiều nhất cũng chỉ được hơn 1 kg”, bà Thước kể.
Chè dây Ra Zéh thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt ở xã Tư  -  Ảnh: Diệu Hiền
Bảo tồn, nâng cao giá trị


Doanh nghiệp nước ngoài muốn thu mua
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Đông Giang, một số doanh nghiệp dược liệu ở Hàn Quốc và ở Anh đang đặt vấn đề thu mua nguyên liệu. Các doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Địa phương phải đảm bảo khâu sản xuất, gieo trồng, bảo quản chất lượng, còn đầu ra Công ty dược Hàn Quốc sẽ lo, thu mua và chế biến trở thành loại thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đứng trước thực tế này, chính quyền xã Tư và H.Đông Giang đã xây dựng dự án Bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra Zéh, nhằm mục tiêu bảo tồn loại cây quý hiếm của đồng bào Cơ Tu và hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa, giúp người dân phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Với dự án này, những người dân của các thôn ở xã Tư thay vì vào rừng săn tìm Ra Zéh, thì bắt đầu khoanh vùng trồng chè dây vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình vừa để bán. Ông Nguyễn Văn Bình cho hay cây chè dây mọc dưới tán rừng thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở xã Tư, đặc biệt là các vùng đồi rừng tái sinh. Chè dây Ra Zéh có thể thu hoạch sau 7, 8 tháng, với năng suất bình quân gần 8 tấn/ha/năm, thu về khoảng 160 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với trồng mây, keo và các loại cây nông sản khác.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỉ đồng được thực hiện từ nay đến năm 2020 trên diện tích 140 ha, trong đó trồng mới 40 ha, khoanh nuôi bổ sung 100 ha. Ông Nguyễn Văn Bình cho biết hiện xã đã triển khai trồng tập trung được 40 ha và thành lập tổ hợp tác sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm chè dây.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Đông Giang, cho hay nhu cầu sử dụng chè dây rất nhiều. Huyện cũng xây dựng đề tài cấp tỉnh đầu tư công nghệ sơ chế, chế biến, đóng gói, cung cấp trên thị trường trong và ngoài nước; đồng thời xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ chè dây không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài, đảm bảo sản phẩm có đầu ra ổn định và giá trị được nâng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.