Độc đáo mô hình rối nước thu nhỏ trong hộp bánh trung thu

27/06/2022 10:15 GMT+7

Với mong muốn lan tỏa văn hóa Việt Nam theo cách sáng tạo, một cặp đôi ở Hà Nội đã tái hiện sân khấu rối nước ngay trong hộp bánh trung thu.

“Rối nước mooncake” là dự án “thay da đổi thịt” cho hộp bánh trung thu của Nguyễn Thùy Chi (35 tuổi) và Lê Sơn Tùng (31 tuổi).

Mỗi hộp bánh là một sân khấu múa rối nước gồm các thành phần cơ bản: thủy đình (đình được xây dựng trên mặt nước hay sát cạnh mặt nước); sóng nước; chú Tễu, “linh hồn” của nghệ thuật múa rối nước; một số nhân vật khác và hoa văn trang trí.

Thiết kế hộp "5 bánh" trung thu múa rối nước

NVCC

Được biết, ý tưởng dự án đến với cặp đôi một cách tình cờ. Thùy Chi nhớ lại: “Trong một lần đưa các cháu đi xem múa rối nước, chúng tôi rất bất ngờ khi tất cả mọi người, từ trẻ con đến người lớn, từ người Việt đến khách nước ngoài đều bị cuốn theo buổi diễn”.

“Hôm đó, chúng tôi ra về với tâm trạng hào hứng và cứ nói mãi về các nhân vật rối, tích truyện, câu hát… Vậy nên, chúng tôi quyết định nghiên cứu về loại hình này cho dự án thiết kế hộp bánh trung thu vì trung thu cũng là dịp tết thiếu nhi”, Tùng nói thêm.

Thiết kế hộp nhỏ

NVCC

Cặp đôi đã lên ý tưởng cho “Rối nước mooncake” vào đầu tháng 4, rồi bắt tay vào tạo hình nhân vật sao cho vừa hiện đại vừa có hồn nhưng không mất đi sắc thái truyền thống. Sau đó, với sự hỗ trợ từ nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Hưng, Tùng và Chi dựng hình ảnh 3D cho dự án. “Rối nước mooncake” chính thức hoàn thiện trong tháng 6.

Tài liệu liên quan đến loại hình nghệ thuật múa rối nước không nhiều nhưng tương đối đầy đủ nên suốt hai tháng thực hiện, Tùng và Chi phải đầu tư công sức tìm kiếm, chắt lọc tài liệu phù hợp.

Cả hai chia sẻ vui: “Chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn vì chúng tôi là người Việt Nam nên văn hóa Việt đã 'ăn sâu' vào máu”.

Tùng và Chi phác họa hình tượng chú Tễu

NVCC

Theo Tùng và Chi, nét đặc sắc của thiết kế hộp bánh là sân khấu rối nước được tái hiện theo những cách riêng ở không gian hộp 5 bánh và hộp 3 bánh.

Sơn Tùng chia sẻ: “Trong hộp 5 bánh, phần thủy đình được tôi và Chi tạo thành tranh cắt lớp, chủ yếu muốn tạo ấn tượng thị giác về không gian sân khấu thu nhỏ. Bên cạnh đó, mỗi con rối cũng đại diện một tích truyện tiêu biểu trong vở múa rối nước”.

Phác họa nguyên mẫu hộp bánh

NVCC

Họa tiết trang trí hộp cũng là yếu tố được Tùng và Chi coi trọng. “Tam sơn thủy ba là hoa văn cung đình được cách điệu, trang trí ở ngoài hộp. Nhìn từ ngoài vào, ta sẽ thấy hộp bánh trông như chiếc rương báu chứa đựng một trong những 'báu vật' của văn hoá Việt Nam”, Chi bày tỏ.

Cả hai nhận thấy thị trường bánh trung thu hàng năm luôn sôi động với đa dạng mẫu mã hộp bánh. “Các thiết kế đều rất bắt mắt và có tính phân cấp thị trường cao với mức giá khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của đa phần mẫu hộp là thiếu ý tưởng nguyên gốc, bị trùng lặp ý tưởng khi chỉ xoay quanh các nhân vật quen thuộc như chú Cuội, chị Hằng... hoặc cách thể hiện chưa đột phá”, Tùng nhận định.

Vì vậy, “Rối nước mooncake” được cặp đôi xem là cách thể hiện sự tôn trọng dành cho văn hóa nước nhà, đồng thời giúp mọi người tiếp cận văn hóa theo cách sáng tạo, mới lạ.

Tùng (trái) và Chi, chủ nhân dự án “Rối nước mooncake”

NVCC

Tuy chưa có mặt trên thị trường vì đây không phải dự án theo đơn đặt hàng mà xuất phát từ sự yêu thích cá nhân, “Rối nước mooncake” đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng trong các hội nhóm về nghệ thuật. Tài khoản Linh Vương trên Facebook chia sẻ vui: “Mình nguyện mua bánh chỉ vì vỏ hộp” hay tài khoản Chúng Thùy Linh phải thốt lên: “Đẹp quá!”.

Cũng là người làm trong lĩnh vực thiết kế - minh họa, Phạm Cẩm Giang bày tỏ: “Khi đang lướt Facebook và thấy dự án, mình lập tức bấm vào xem và cảm thấy rất ấn tượng. Các bạn sử dụng chất liệu dân gian rất 'tới' và 'ra chất'. Đường nét, màu sắc hài hòa, đặc biệt là cách trình bày 'concept' chuyên nghiệp khiến mình nể phục”.

Sơn Tùng và Thùy Chi là bộ đôi chuyên về xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm và minh họa. Ngoài ra, Tùng còn hoạt động với tư cách họa sĩ độc lập. Trước “Rối nước mooncake”, cả hai đã thực hiện một số dự án mang tính văn hóa cao như dự án Lì xì Mouseki cho năm Canh Tý 2020, dự án lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ cho một nhà hàng.

Cặp đôi cho hay, nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng về các dự án khiến cả hai cảm nhận được tình yêu của người trẻ Việt dành cho văn hóa nước nhà. Vì thế, ở giai đoạn hiện tại, cả hai tập trung vào mảng ứng dụng văn hóa truyền thống lên những thiết kế hiện đại để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.