Độc đáo ngón nghề 'câu' dế cơm ở Hà Tĩnh

Phạm Đức
Phạm Đức
15/10/2018 12:02 GMT+7

Để bắt được những chú dế cơm nằm trong hang sâu, ngoài dùng cuốc và nước thì người dân Hà Tĩnh còn sử dụng một nhánh cây mây còn nhiều gai chọc sâu vào hang để câu dế lên.

Mùa thu ít nắng nhưng mang theo những cơn mưa rào bất chợt làm ẩm những thửa ruộng đất pha cát ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây chính là thời điểm người dân nơi đây kéo nhau ra cánh đồng gần nhà để bắt dế cơm.
Anh Lưu Văn Ninh (37 tuổi, trú tại thôn Bình Thái, xã Hương Bình) cho biết, mùa câu dế cơm kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 vì đây là thời điểm dế cơm trưởng thành và béo ngậy nhất. Dụng cụ để bắt loài côn trùng có cánh thuộc họ nhà dế mà người dân thường mang theo là cuốc và can nước.
“Sau khi phát hiện hang dế, mình sẽ dùng cuốc đào xuống một lớp đất để mở rộng miệng hang rồi đổ nước vào bên trong. Nước tràn vào hang và các ngách khiến dế bị ngộp thở nên sẽ từ từ chui ra bên ngoài”, anh Ninh nói.
Theo anh Ninh, với cách bắt này thì tốn rất nhiều thời gian vì hang dế rất sâu và nhiều ngóc ngách. Để bắt dế cơm một cách hiệu quả và nhanh nhất, người dân địa phương đã kết hợp sử dụng thêm một nhánh cây mây còn nhiều gai để câu dế. Sau khi đổ nước vào hang, các tay săn dế sẽ dùng nhánh cây mây chọc sâu vào bên trong thì dế sẽ bị gai cây mây móc vào cánh hoặc bụng. Người dân chỉ cần kéo cây mây mang theo chú dế ra khỏi hang.
Áp dụng phương pháp câu dế này, chỉ trong khoảng 1 giờ vào buổi sáng, anh Ninh cùng với 5 người bạn đồng hành đã câu được hơn 100 con dế cơm.
Ông Phan Hữu Chí (75 tuổi, hàng xóm với anh Ninh) mách nước, những đùn đất cát cao tạo thành ụ nổi trên mặt đất thì đó chính là hang dế cơm. Bằng mắt thường rất dễ nhận biết. Độ sâu của hang dế khoảng 40 - 50 cm, trung bình mỗi hang chỉ từ 1 - 2 con.
Những vùng đất cát pha người dân trồng ngô, khoai, mía là địa điểm thích hợp dế chọn làm nơi ở. Hằng năm, cứ đến trước vụ mùa thu - đông, người dân thường đi câu dế trên vạt ruộng của mình để phòng ngừa chúng phá hoại cây trồng, đồng thời cũng là cách kiếm thêm thức ăn, hoặc bán kiếm thêm thu nhập.
“Dế cơm có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng như dế rang lá chanh, dế om măng, dế nướng. Món ăn đặc sản chỉ có ở vùng núi này thường được các nhà hàng tìm đến thu mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/con. Việc làm vừa có thêm thu nhập, vừa bảo vệ được hoa màu nên người dân rất hào hứng”, ông Chí nói.
Dưới đây là những hình ảnh người dân xã Hương Bình đi bắt dế cơm phóng viên Báo Thanh Niên vừa ghi lại:
Người dân cắt một nhánh cây mây nhiều gai làm "cần câu", kết hợp dùng cuốc và nước để câu dế cơm Ảnh Phạm Đức
Chuẩn bị xong dụng cụ, từng nhóm "thợ săn dế" kéo ra đồng bắt dế cơm Ảnh Phạm Đức
Hang dế cơm Ảnh Phạm Đức
Đào sâu một lớp đất bên trên hang dế Ảnh Phạm Đức
Cắm cây mây vào hang rồi đổ nước Ảnh Phạm Đức
Dế bị mắc vào gai cây mây Ảnh Phạm Đức
Gỡ dế ra khỏi cây mây Ảnh Phạm Đức
Tiếp tục sang hang khác để câu dế Ảnh Phạm Đức
Lại một chú dế khác bị "mắc câu" Ảnh Phạm Đức
Trung bình mỗi buổi, người dân có thể bắt được 100 con dế Ảnh Phạm Đức
Dế được thương lái mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/con Ảnh Phạm Đức
Dế cơm rang lá chanh thơm phức là món đặc sản hấp dẫn thực khách trong nhiều nhà hàng ở Hà Tĩnh Ảnh Phạm Đức
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.