Thay vì sử dụng các chất liệu quen thuộc như bao nghệ sĩ khác, họa sĩ Văn Phúc (ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã thử nghiệm sáng tác trên nhôm và thành công với dòng tranh gò nhôm độc đáo.
Họa sĩ Văn Phúc sáng tác với tranh gò nhôm
|
Thử nghiệm mới
Họa sĩ Văn Phúc cho biết việc sáng tác tranh gò nhôm đến với ông rất tình cờ. Một lần trong nhà có miếng nhôm bỏ đi, ông lấy búa gõ thử thấy xuất hiện nhiều hạt nhỏ li ti có thể tạo thành hình khối nên đã nảy ra ý định làm tranh trên nhôm. “Tôi đã từng thử qua màu nước, sơn dầu, có cả điêu khắc gỗ... nhưng nếu cứ sáng tác bằng các chất liệu cũ sẽ khó tạo dấu ấn nên tôi muốn tìm con đường mới”, họa sĩ Văn Phúc nói.
Là người tiên phong ở ĐBSCL đi theo con đường sáng tác tranh gò nhôm nên họa sĩ Văn Phúc gặp không ít khó khăn. Theo ông, tranh gò nhôm đòi hỏi họa sĩ phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao, chỉ cần một mũi gõ sai là có thể làm hỏng cả bức tranh. Đối với những tác phẩm có khổ lớn, độ phức tạp cao, ông phải làm ròng rã trong nhiều tháng trời mới hoàn thành. Sau khi chọn được đề tài tâm đắc, ông bắt đầu vẽ tranh phác thảo, dán lên miếng nhôm rồi mới tiến hành tạo tác. Ông dùng mũi đục bằng thép đánh nhẹ từ trên xuống dưới ở cả 2 mặt để làm nổi hạt, nổi khối trên miếng nhôm. Từ đôi bàn tay tài hoa của họa sĩ Văn Phúc, hàng triệu triệu hạt nhôm nhỏ từ từ gắn kết với nhau tạo thành bức tranh hoàn chỉnh.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật, các tác phẩm của họa sĩ Văn Phúc chủ yếu tập trung thể hiện hình tượng Bác Hồ, ca ngợi những người lính đã chiến đấu và hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… Đặc biệt, ông còn dành nhiều tác phẩm phản ánh đời sống và sinh hoạt của người dân vùng sông nước ĐBSCL như: bức Đờn ca tài tử đạt giải nhì trong Triển lãm mỹ thuật TP.Cần năm 2012; Chợ nổi Cái Răng đạt giải khuyến khích năm 2013 nhân kỷ niệm 10 năm TP.Cần Thơ trực thuộc T.Ư; Đất mũi Cà Mau giải khuyến khích Triển lãm mỹ thuật TP.Cần Thơ năm 2013, được chọn tham gia Triển lãm mỹ thuật ĐBSCL...
Đậm đà tính dân tộc
Nhiều ý kiến nhận xét tranh của họa sĩ Văn Phúc đã đạt đến độ tinh tế, tính thẩm mỹ cao. Màu sắc của tranh gò nhôm tuy khá đơn giản, chủ yếu là màu nguyên bản của nhôm, ánh vàng hoặc màu đồng nhưng vẫn tạo được chiều sâu. Trong khi một số họa sĩ đang bị Tây hóa hoặc phải loay hoay tìm cách thể hiện tính dân tộc trong tranh thì hầu như sáng tác nào của họa sĩ Văn Phúc cũng đậm “chất VN”. Ông đã khéo léo lồng ghép những họa tiết mang tính dân tộc như hoa văn trên mặt trống đồng, hình bông lúa, lá tre... vào tranh gò nhôm của mình. Các hình ảnh đặc trưng của ĐBSCL như sông nước, trái bưởi năm roi... cũng thường xuyên xuất hiện trong tranh ông. Những họa tiết vi mô này được ông đưa vào tranh hết sức tự nhiên, góp phần tạo nên sự hài hòa thống nhất mà vẫn không làm ảnh hưởng đến bố cục chung.
Họa sĩ Văn Phúc quê gốc ở Hưng Yên, vào Cần Thơ lập nghiệp từ năm 1981. Hơn 30 năm qua, vùng sông nước ĐBSCL đã trở thành nguồn cảm hứng lớn trong tranh ông. Năm nay tuy đã bước vào tuổi 70 nhưng dường như niềm đam mê sáng tác vẫn còn nguyên vẹn trong ông. “Tôi chỉ mong tranh gò nhôm của mình được nhiều người biết đến, đặc biệt là du khách nước ngoài để vừa có thể giới thiệu được nét đặc sắc về đất và người phương Nam vừa quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật mới mẻ này”, họa sĩ trải lòng.
Bình luận (0)