Độc đáo tranh kiếng dân gian Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
23/07/2023 06:00 GMT+7

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) vừa khai mạc triển lãm Tranh kiếng dân gian Việt Nam (diễn ra đến ngày 26.7), trưng bày 70 tác phẩm tuyển chọn với các đề tài: thờ cúng, trấn trạch và trang trí của các nhóm sưu tập tư nhân. Triển lãm thu hút người xem bởi sức hấp dẫn độc đáo của tranh kiếng.

Các dòng tranh dân gian Việt Nam sử dụng chất liệu là kính/kiếng (từ đây gọi chung là tranh kiếng) có những đặc trưng riêng phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo ở từng vùng miền nên tạm phân loại theo khu vực địa lý: tranh kiếng dân gian Hà Nội, tranh kiếng dân gian Huế, và tranh kiếng dân gian Nam bộ, gắn với nhiều câu chuyện thú vị.

Độc đáo tranh kiếng dân gian Việt Nam  - Ảnh 1.

Tranh kiếng dân gian người Kinh tại Nam bộNhà sưu tập Thu Hòa cung cấp

Tranh kiếng du nhập Việt Nam ra sao? 

Trên thế giới, tranh kiếng có mặt từ lâu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo. Vào thời trung cổ, tranh kiếng phát triển rực rỡ nhất và thường dùng trang trí trong các nhà thờ, dinh thự, hoàng cung… Ở nước ta, khoảng giữa thế kỷ 19, vua Thiệu Trị có đặt hàng tranh kiếng ký kiểu (dùng kỹ thuật vẽ sơn lạnh, vẽ ngược) từ Quảng Châu, Trung Quốc thông qua các đoàn sứ bộ của triều đình.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa (Hà Nội) cho biết: "Việc sử dụng tranh kiếng của triều đình khiến cho giới nhà giàu trong kinh thành Huế cũng thích và ưa chuộng tranh kiếng, mà đã thích thì họ không ngại mời thợ Trung Quốc sang. Vì tranh kiếng rất dễ vỡ khi vận chuyển, nên khi thực hiện các công trình lớn họ thường thuê tốp thợ đến tận nhà. Sau đó, các thợ này ở lại hoặc cũng có thể thu hút thợ vẽ kiếng đến Việt Nam ở lại hành nghề, dần hình thành nên nghề tranh kiếng dân gian Huế".

Độc đáo tranh kiếng dân gian Việt Nam  - Ảnh 2.

Tranh kiếng dân gian người Hoa

Giống như tranh kiếng Trung Quốc, ban đầu tranh kiếng ở Việt Nam là để phục vụ cung đình, sau mới đến tầng lớp quý tộc, nhà giàu, người nước ngoài, dân thường sử dụng. Các sản phẩm công nghệ mới xuất hiện ở những nơi đầy đủ điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa tại Huế, sau đó lan ra các tỉnh thành khác. Ban đầu là thợ người Trung Quốc và người Việt gốc Hoa, sau đó một số người Việt học được nghề, phục vụ cho người Việt. Tranh kiếng dân gian Việt Nam được hình thành vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19.

Tại Hà Nội và Sài Gòn xưa, tranh kiếng dân gian xuất hiện muộn hơn một vài năm so với Huế. Hiện nay, Hà Nội có thờ tổ nghề làm gương soi - Trần Nhuận Đình. Ông đi sứ sang Trung Quốc vào thời Trần đã mang nghề tráng gương về VN. Sự chuyển nghề diễn ra dần dần, lúc đầu có thể chỉ là ghi chữ, tên cửa hiệu... thêm một vài chi tiết trang trí lên tấm gương, sau từ gương thành tranh trang trí, tranh thờ.

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, trong quá trình chuyển đổi, có những tiệm tranh kiếng phải mời những họa sư về vẽ để củng cố, tạo nên thương hiệu của tiệm mình. Cũng có những người thợ vẽ từ Trung Quốc trực tiếp sang như nghệ nhân Tô Hà ở tiệm kiếng Vĩnh Huê (tại khu vực nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM).

Độc đáo tranh kiếng dân gian Việt Nam  - Ảnh 3.

Tranh kiếng dân gian Huế

VÙNG NAM BỘ GỌI "KIẾNG" VÌ HÚY KỴ ?

Nói về tranh kiếng vào Nam bộ, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng tranh kiếng du nhập từ cung đình Huế và từ người Hoa di dân vào Nam, nhưng sau đó được địa phương hóa (hoặc Việt hóa) mạnh mẽ để tạo ra bản sắc riêng. Giống như nghệ thuật cải lương, cái hay là ở tính địa phương và tạo bản sắc.

"Người Nam bộ xưa thích thờ/treo chữ kính/kỉnh (敬) giữa nhà, làm gì họ không biết gọi tranh kính, thay vì tranh kiếng. Dù kính là một phát âm quá dễ dàng. Nhưng tại sao người Nam bộ hơn 100 năm qua đều gọi phổ biến là tranh kiếng? Đơn giản, vì một trong những vị thành hoành bổn cảnh của xứ này là ngài Nguyễn Hữu Cảnh, nguyên danh là Nguyễn Hữu Kính (阮有鏡). Nên khi loại tranh vẽ/in trên kính này xuất hiện tại Nam bộ cuối thế kỷ 19, nó phải được gọi là tranh kiếng. Đây là sự tôn trọng bậc tiền nhân, một húy kỵ về văn hóa, lịch sử. Nhờ húy kỵ này mà tiếng Việt, rồi chữ quốc ngữ thêm phong phú, thêm bản sắc. Bên cạnh kính, còn có kỉnh, còn có kiếng… thật thú vị", ông Lý Đợi phân tích.

Cũng có ý kiến cho rằng: Một số thợ người Hoa trong quá trình sinh sống ở Việt Nam đã lấy vợ Việt. Tranh kiếng của người Hoa đặc sắc nhất về kỹ thuật thủ pháp điêu luyện, nét vẽ mềm mại và tản màu hòa quyện. Dần hình thành nên những tiệm tranh kiếng của người Hoa - Việt, đáp ứng nhu cầu phần lớn cho người Việt, đồng thời cũng có những người di chuyển tiệm về những trung tâm kinh tế khác của Nam bộ: Lái Thiêu, Mỹ Tho, Gò Công, Chợ Mới... để có thể cung cấp sản phẩm tại chỗ một cách nhanh nhất cho khách hàng.

Trong quá trình làm tranh giấy, tranh tường…, người Nam bộ sáng tạo tranh trang trí cho không gian thờ cúng của tổ tiên. Giai đoạn 1920 - 1930, giá thành kiếng giảm nên tạo đà phát triển cho tranh kiếng ứng dụng vào cuộc sống nhiều hơn. Các công trình kiến trúc được thực hiện trong thời gian này tiêu biểu có: nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) hoàn thiện năm 1911; nhà lớn Long Sơn (Vũng Tàu) xây dựng từ năm 1910 đến 1929 hoàn thành. Trong hai công trình này đều có tranh kiếng gắn liền với kiến trúc căn nhà. Ở nhà cổ Bình Thủy chỉ là những chi tiết trang trí bằng tranh kiếng, nhưng nhà lớn Long Sơn là cả một hệ thống tranh kiếng trang trí đặc sắc, thu hút hàng chục ngàn khách tham quan mỗi năm.

Cũng theo nhà nghiên cứu Lý Đợi: "Tranh kiếng phổ biến từ Huế trở vào. Tại Nam bộ thì có 3 - 4 vùng và có 2 - 3 kỹ thuật làm, với quan niệm riêng. Ví dụ: Nếu tranh kiếng người Hoa ở Nam bộ còn đậm nét văn hóa Trung Quốc, thì tranh kiếng chợ Bà Vệ (vùng cù lao Ông Chưởng, An Giang) đã địa phương hóa rất nhiều. Địa phương hóa và đề cao sự giáo huấn theo cách Việt Nam là hai đặc trưng nổi bật, tạo thêm sự độc đáo cho tranh kiếng Nam bộ". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.