Làng cũ nghề xưa: Trăm năm tranh kiếng Bà Vệ

13/12/2015 07:11 GMT+7

Tranh kiếng Bà Vệ một thời nổi tiếng khắp miền Tây Nam bộ. Cứ cận tết người ta hay mua tranh kiếng về treo trong nhà để cầu may.

Tranh kiếng Bà Vệ một thời nổi tiếng khắp miền Tây Nam bộ. Cứ cận tết người ta hay mua tranh kiếng về treo trong nhà để cầu may.

Làng cũ nghề xưa: Trăm năm tranh kiếng Bà VệBà Nguyệt làm tranh kiếng - Ảnh: Thanh Dũng
Làng nghề trăm năm
Tranh kiếng nghĩa là vẽ trên tấm kính thành bức tranh với đủ màu sắc, thể loại như tranh núi non, rồng phụng hoặc cảnh làng quê, tranh thờ tiên, đức Phật... đem treo trang trọng trong nhà. Thuở ấy, chợ Bà Vệ nằm trên cù lao Ông Chưởng (H.Chợ Mới, An Giang) lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh nhà nhà làm, mua bán tranh kiếng. Dọc theo các ấp Long Thuận, Long Tân của xã Long Điền B lúc nào cũng tất bật bóng thợ tách, thợ sơn tranh. Dưới con kinh, ghe xuồng nổ máy tành tạch chờ lấy tranh đi phân phối ở các vùng nông thôn khắp nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (58 tuổi) có hơn 44 năm làm tranh kiếng cho biết nghề xuất hiện ở vùng đất này cả 100 năm nay, bà là thế hệ thứ 3 của làng nghề truyền thống này. Bà kể, làm tranh thịnh hành nhất là sau năm 1980. Lúc đó, ngày thường đã nhộn nhịp nhưng cận tết thì tưng bừng vì nhà nào cũng cần treo tranh ảnh trang hoàng nhà cửa đón tết cầu mong may mắn. Ông Nguyễn Thanh Hòa, sống bằng nghề tranh kiếng hơn 30 năm, cho biết vào thời hoàng kim, thợ thầy sống no ấm với nghề. Nhà này thấy nhà kia khấm khá nên nhảy vào mở tiệm bán tranh, vì thế có cả trăm hộ làm tranh, mỗi tiệm tranh tùy theo quy mô có từ 5 - 10 thợ. Bà Nguyệt thì tự hào nghề làm tranh kiếng đòi hỏi thợ tách (là thợ chính) tay nghề phải khéo và trí tưởng tượng phong phú mới cho ra nhiều dòng tranh đặc sắc cũng như đáp ứng được yêu cầu của khách. Bà nói thợ tách như bà được trả công cao, bởi vẽ tranh kiếng phải từ phía sau mặt kính nên chi tiết nào vẽ sau phải vẽ trước. Vẽ xong, thợ lật tấm kính lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh. Còn thợ sơn công việc đơn giản hơn, chỉ ngồi tô vẽ các hình ảnh đã được vẽ lên tranh.
Nguy cơ thất truyền
Theo các thợ tranh, trước đây tranh kiếng thịnh hành vì các loại tranh nghệ thuật ít. Một căn nhà gỗ treo vài tấm tranh kiếng sẽ làm căn nhà tươi sáng, trang nghiêm hẳn lên, đặc biệt là bộ tranh kiếng đặt lên bàn thờ. Còn vùng thị tứ, đô thị nhiều người không thích treo tranh kiếng vì cho rằng màu mè, nhìn “cải lương” quá. Nhưng thợ tranh không lo chuyện đó, bởi đưa tranh về vùng nông thôn không đủ bán thì cần chi thị tứ.
Bây giờ, bà Nguyệt thở dài nói mới đó mà đã thành chuyện xưa. Hiện ở vùng nông thôn cũng kém chuộng tranh kiếng. Nhất là từ năm 2000 trở về sau, tranh kiếng ế ẩm, chủ rồi thợ chán nản lần hồi đóng cửa bỏ nghề. Đến nay làng tranh kiếng vang danh khắp vùng giờ còn lác đác vài người làm tranh kiếng. Chỉ đến những ngày cận tết mới có chút ít không khí làm tranh rồi sau đó làng nghề lại trầm lặng.
Theo bà Nguyệt, làng tranh lâm vào cảnh này phần nhiều do các chủ tiệm dùng công nghệ in tranh thay làm thủ công. Ngày xưa, làm mấy ngày mới xong một bộ tranh, còn sau này nhiều người tậu máy in lụa màu kéo lên trên tấm kính một ngày có thể làm ra mấy trăm bức. Do đó, thợ sơn tranh đang sống khỏe bỗng nhiên thất nghiệp, rồi thợ tách cũng dần dần bị công nghệ đẩy lùi vào quên lãng. Bà Nguyệt nói ngày xưa làm tranh ít nên không đủ bán, từ ngày có máy in lụa màu trên tranh kiếng thì lượng tranh tung ra thị trường không tiêu thụ hết nên dội hàng, ế ẩm. Thấy thế, các chủ tiệm áp dụng nhiều mẫu mã mới trên tranh kiếng như tranh kiếng thư pháp, danh ngôn, lời hay ý đẹp... nhưng vẫn không được thị trường ưa chuộng.
Vì quyết tâm giữ nghề, bà Nguyệt vẫn còn làm tranh kiếng theo lối thủ công, tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Qua bàn tay nắn nót từng chút của người thợ, các hình vẽ có phần hồn, nét sơn hài hòa nên nhìn tranh sống động hơn so với tranh kiếng làm bằng công nghệ. Một mình vừa làm thợ tách, thợ sơn nên tùy theo khổ tranh lớn hay nhỏ phải mấy tuần bà Nguyệt mới làm xong một bộ giao cho khách. Bà bảo, cũng may còn lượng người thích tranh kiếng truyền thống nên nhờ đó bà sống được với nghề. Tuy nhiên, hiện số người làm tranh thủ công như bà Nguyệt chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay và nguy cơ nghề này thất truyền là không tránh khỏi. “Làm tranh kiếng đòi hỏi thợ phải có hoa tay và ngồi tỉ mỉ cả buổi với từng nét vẽ, nét sơn. Do đó, lớp trẻ hiếu động không thích cái nghề buồn chán này nên không chịu học”, bà Nguyệt nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.