Làng cũ nghề xưa: Ai về mua nón chợ Đình!

12/12/2015 07:49 GMT+7

Một thời nón chợ Đình, xã Tịnh Bình, H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nổi tiếng, cạnh tranh lấn lướt các loại nón Huế, nón chợ Chùa (Quảng Nam). Còn bây giờ, chợ Đình đìu hiu bởi làng nghề làm nón lá ở đây quá tiêu điều.

Một thời nón chợ Đình, xã Tịnh Bình, H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nổi tiếng, cạnh tranh lấn lướt các loại nón Huế, nón chợ Chùa (Quảng Nam). Còn bây giờ, chợ Đình đìu hiu bởi làng nghề làm nón lá ở đây quá tiêu điều.

Giờ rất hiếm người mang nón lá bày bán ở chợ Đình - Ảnh: Phạm AnhGiờ rất hiếm người mang nón lá bày bán ở chợ Đình - Ảnh: Phạm Anh
Lơ thơ chợ nón
Háo hức khi trở lại xã Tịnh Bình thăm nón chợ Đình, thế nhưng vừa mới hỏi, ông Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Bình Trần Văn Mẫn buồn tênh: “Chợ thì còn đấy, nhưng nổi danh như thuở mời mọc ai về mua nón chợ Đình hết rồi. Thỉnh thoảng mới có người bán nón”.
Bước vào chợ Đình lại càng thất vọng hơn. Đi lên xuống, đầu chợ đến cuối chợ mấy bận cũng không thấy chiếc nón lá tinh khôi ngày xưa đâu. Ông Nguyễn Châu Thành (70 tuổi) người làm nón lá giỏi nhất nhì ở thôn Bình Bắc kể chuyện xưa trong nuối tiếc. Rằng, nghề nón ở đây có từ khoảng cuối thế kỷ 19, do một người tên Bính truyền dạy. Một thời bôn ba đó đây tìm kế sống, ông Bính đã học được nghề làm nón lá rồi quay về quê làm nghề kiếm sống, sau đó truyền lại cho dân xã Tịnh Bình. Từ đó, cả xã này ai cũng mưu sinh bằng nghề nón lá, trong đó như làng Vĩnh Lộc (nay là thôn Bình Nam), làng Châu Nhai (nay là thôn Bình Bắc) 100% gia đình ở đây sống bằng nghề nón, còn các làng khác có đến trên 50% hộ gia đình cũng mưu sinh bằng nghề nón.
Người Tịnh Bình làm nón nhưng không bán ở nhà mà tất cả đều mang ra chợ Đình để bán. Ông Mẫn cho biết, những năm nghề thịnh, chợ Đình buổi sáng bán khoai, sắn và nông sản các loại, nhưng từ 11 - 13 giờ trưa chỉ bán nón lá. Khắp đầu chợ đến cuối chợ là những “cây nón” trắng tinh khôi đứng ngồi la liệt. Điều đáng nói, chợ Đình bán nón sỉ cho các tư thương khắp nơi đổ về chứ không bán lẻ. Nón từ chợ Đình qua bàn tay dân buôn mang đi bán khắp nơi, từ chợ quê lên chợ tỉnh Quảng Ngãi, đi vào các tỉnh phía nam và thậm chí lấn ra tỉnh Quảng Nam, nơi có làng nón chợ Chùa.
Ngay như nón Huế rất nổi tiếng nhưng ở Quảng Ngãi bán không được vì không cạnh tranh nổi với nón chợ Đình. Bởi nón chợ Đình tuy họa tiết không đẹp như nón Huế nhưng mộc mạc, dễ thương. Khoảng vào thập niên 1930, có một nghệ nhân làm nón nổi tiếng tên là Tuân cũng đi thi nghề chằm nón ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi, đã đoạt giải nhì. Từ đó, nón Tịnh Bình ngày càng nổi tiếng hơn. Thậm chí đến những năm kháng chiến chống Mỹ, dù bom đạn cày xới đất này nhưng người chợ Đình vẫn sống được nghề nón. Ai đi tản cư đến đây cũng mang nghề nón ra để mưu sinh.
“Xưa, đi ngang qua Tịnh Bình, thấy nhà nào cũng phơi nón đầy sân. Ban đêm các cô gái tập trung tại các nhà rộng thoáng, vừa chằm nón vừa hát hò đối đáp với trai làng đến khuya, vui lắm”, cụ Thành nhớ lại. Sau 1975, làng nghề tiếp tục phồn thịnh, nhưng hơn 10 năm nay, làng nghề nón chợ Đình tiêu điều, người nghề nón bỏ sang nghề khác, hoặc bôn ba nam bắc kiếm kế khác sinh nhai.
Mấy ai còn nhớ chuyện nghề
Đi vào thôn Bình Bắc, chẳng thấy “nón phơi đầy sân” như lời kể, chỉ thấy lúa, rơm rạ ở các ngõ. Ông Lý Phước (76 tuổi) than: “Nghề từ đời ông đến đời mình, xem như dứt”. Nói đoạn ông ngâm nga, lời đằm thắm nhưng người buồn thì hát ngâm vui sao được: “Ai về nhắn với chợ Đình/Ai chằm nón lá tận tình đôi ta/Để cho duyên thắm mặn mà/Cau buồng, trầu liễn Sơn Hà, Minh Long...”.
Hóa ra, dù đã nghỉ nghề nón lá lâu rồi, nhưng thẳm sâu trong lòng ông Phước vẫn còn nhớ như in nghề làm nón lá quê mình, dù nghề ấy có nhọc nhằn ra sao. Hồi đó, khi chưa có xe đạp, phải đi bộ hàng trăm cây số, trên vai vác đòn gióng tre dài vót nhọt hai đầu, đi đến xã vùng cao Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ để mua lá làm nón của đồng bào dân tộc thiểu số gánh về. Sáng sớm tinh mơ, ai cũng đùm theo gói cơm ra đi, còn chiều hôm sau về lại, ai cũng gánh trên vai 1.000 lá nón kẽo kịt.
Sau đó, dân làng đi gánh cát về trải lên lá nón, đạp cho phấn lá nón tróc ra mới xâu lại 10 lá nón thành một. Tiếp theo là lấy miếng gang hong nóng lên hơ từng lá nón, vuốt lá thẳng ra. Cuối cùng là vót 20 tuyến bằng tre đặt lên kèo (khuôn) rồi chắp lá và bắt đầu chằm nón. Mỗi nón lá chằm ba lớp lá: hai lớp ngoài là lá nón non, lớp bên trong lá nón già hơn. Khi chằm xong, dân làng phủ bên ngoài lớp dầu thông và bên trong kiềm bốn cái đố bằng tre cho nón chắc, bền.
Cực nhọc với đủ công đoạn nhưng nón lá bán ra chỉ 15.000 đồng/cái. Gia đình nào giỏi thì mỗi ngày làm được 2 cái, còn thường là một cái nhưng 4 - 5 người cùng nhau làm. “Đắng cay cháu ạ, ngồi cả ngày lẫn đêm, lưng đau tê tái. Vậy mà sau này còn bán không được, gia đình nào cũng không đủ ăn, đành quay lưng với nghề thôi”, ông Phước xót xa.
Đến giờ, vẫn lác đác có người chằm nón lá, nhưng làm cho đỡ nhớ nghề chứ không phải “sống bằng nghề” như thời nào. Phó chủ tịch Mẫn góp lời, địa phương cũng từng đặt vấn đề khôi phục lại nghề nón, nhưng khó lắm. Ngày nay đi xe máy đội nón bảo hiểm, ra đồng thì đội khẩu trang, mũ lá... tiện lợi hơn, rẻ hơn, bền hơn nên không có chỗ cho nón lá sống. “Mà nếu có ai mua đi nữa, người sống bằng nghề nón cũng không chịu nổi: hỏi cả nhà 4 người sao đủ trang trải với 15.000 đồng/ngày?”, ông Mẫn tự hỏi.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Bình Trần Văn Mẫn, ngoài nghề nón lá thì xã Tịnh Bình còn nghề làm lược sừng trâu. Người làm nghề này sang tận Campuchia, Lào mua sừng trâu về làm lược, sau đó bán ra thị trường. Thế nhưng cũng như nghề nón, thịnh vượng một thời rồi nghề làm lược sừng trâu cũng “chết” như nghề nón. Bây giờ chẳng ai còn làm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.