Nhắc đến Huế là nhắc đến vùng đất di sản với nhiều làng nghề truyền thống được gây dựng từ bao đời, và làng Đúc cũng không phải là ngoại lệ.
Công nhân ở làng nghề đúc đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Sính - Ảnh: Tiến Huy |
Nằm ở ven bờ nam sông Hương, cách trung tâm TP.Huế khoảng 3 km về phía tây nam, dọc đoạn đường Bùi Thị Xuân không khó để chúng ta có thể bắt gặp những sản phẩm bằng đồng được bày bán bắt mắt, những cơ sở đúc đồng đã có từ thời xa xưa nhưng vẫn nhộn nhịp cho đến bây giờ.
Làng đúc đồng ở Huế xưa kia là làng Dương Xuân, hầu hết dân làng làm nghề đúc đồng nên từ lâu quen gọi là phường Đúc (hay phường thợ đúc). Ngày nay tại phường Đúc gồm có 5 xóm là: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng. Có tới 60 lò đúc với 150 người làm nghề bằng đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ và niềm đam mê sáng tạo, các nghệ nhân Huế đã tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Trong số những bậc tài hoa đó có nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, là đời thứ 11 kế tục nghề đúc đồng của họ Nguyễn. Đã qua tuổi 70 nhưng ông vẫn hăng say công việc và truyền thụ lại những kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm đúc kết bao đời cho con cháu. Ông rất may mắn khi có hai người con trai tài giỏi và có chí, luôn có ý thức gìn giữ và phát huy thành quả của cha ông. Anh trai lớn đã phát triển được một cơ sở đúc đồng lớn mạnh ở Đồng Nai. Còn anh Nguyễn Trường Sơn, con trai thứ hai của ông Sính và cũng là truyền nhân thứ 12 của nghề đúc đồng gia truyền cũng không kém cạnh gì. Anh tốt nghiệp ngành đúc nhiệt luyện ở ĐH Bách khoa Hà Nội, trở về thừa hưởng cơ nghiệp đồ sộ của cha mình đến nay đã 17 năm. Cơ sở đúc đồng của ông Sính có không gian rộng rãi, hơn 20 tay thợ lành nghề hằng ngày làm việc nơi đây, tạo ra những sản phầm có tính thẩm mỹ cao được nhiều người ưa chuộng.
Ngoài các sản phẩm thông thường như đúc Đại Hồng Chung lư hương, các mặt hàng mỹ nghệ, các cơ sở đúc đồng ở phường Đúc còn có thể sản xuất như chi tiết máy móc dùng trong công nghiệp và những linh kiện có tính chính xác cao. Thường xuyên tham gia các lễ hội truyền thống, Festival làng nghề Huế, đặc biệt là sự kiện Festival nghề truyền thống lần thứ 2-2007 với chủ đề "320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - bản sắc và phát triển”, góp phần quảng bá sản phẩm nước nhà đến bạn bè quốc tế. “Làm cái nghề này phải có sự kiên trì và lòng yêu nghề. Tôi muốn giữ một chút gì đó cho Huế, cho con cháu đời sau còn có cái mà nhắc đến”, ông Sính cho biết thêm.
Bình luận (0)