Độc đáo tranh lá buông

Bắc Bình
Bắc Bình
06/01/2020 11:20 GMT+7

Bằng đôi tay khéo léo, tài hoa cộng với chất liệu thân thiện từ thiên nhiên, nghệ nhân Thạch Huỳnh Lộc (35 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, H.Châu Thành, Trà Vinh) đã tạo nên những bức tranh lá buông đẹp đến ngỡ ngàng.

Nghệ nhân trẻ Huỳnh Lộc được truyền dạy bút pháp khắc tranh, viết kinh Phật bằng chữ Phạn cổ trên lá buông từ người cha - nghệ nhân ưu tú Thạch Tư (vừa qua đời hồi tháng 6.2019). “Công việc chính hiện nay của tôi là điêu khắc tượng bằng đá tại các chùa Khmer. Mặc dù suốt ngày bận rộn vì vừa phải hướng dẫn cho anh em thợ thi công vừa phải lo tìm nguồn nguyên liệu, nhưng tôi vẫn tranh thủ vẽ tranh, liễn, lịch tết… trên lá buông - làm để nối tiếp niềm đam mê của cha; để duy trì loại hình nghệ thuật, nét văn hóa độc đáo đang bị mai một trong cộng đồng người Khmer Nam bộ”, nghệ nhân Huỳnh Lộc tâm sự.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hầu hết các chùa Khmer tại Trà Vinh đều có lưu giữ một số sách kinh Phật cổ viết trên lá buông nhưng những nghệ nhân nổi tiếng của loại hình nghệ thuật độc đáo này hiện còn sống rất hiếm.
Để có được lá buông sử dụng vẽ chữ, khắc tranh, người nghệ nhân phải tìm ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh hoặc có khi phải sang tận Vương quốc Campuchia mới đặt hàng được loại lá đạt yêu cầu. Đó cũng là nguyên nhân khiến những nghệ nhân viết chữ trên lá buông không tìm được… hậu duệ. “Lá buông mà chúng tôi sử dụng phải được chọn từ khi buồng lá còn non mới nhú trên đọt cây buông; buồng lá phải được bảo vệ cẩn thận sao cho không xòe ra hứng ánh sáng trực tiếp từ mặt trời trong suốt khoảng thời gian khoảng 3 tháng rưỡi. Nếu quá trình này bị sơ hở, lá buông ngã sang màu xanh lục thì không thể sử dụng được. Sau khi thu hoạch, lá buông được tuyển lựa cẩn thận rồi mang về phơi khô. Lá buông thành phẩm được chọn tùy theo khổ bức tranh, riêng đối với liễn chữ thì tùy vào độ lớn, độ dài ngắn của chữ mà khách hàng đặt”, nghệ nhận Huỳnh Lộc chia sẻ.
Cũng theo lời nghệ nhân Huỳnh Lộc, viết chữ trên lá buông phải sử dụng mũi bút bằng sắt, sau khi viết xong thì bôi hợp chất gồm than nhọ nồi (lọ nghẹ) trộn với dầu hong (chiết xuất từ cây dầu) lên mặt chữ. Sau đó chờ đến khi mực khô thì dùng vải hoặc bông gòn nhúng dầu lửa rồi quét (chùi) lên tấm lá, lúc này những chữ được viết sẽ nổi lên rất đẹp. Nếu vẽ tranh, trước hết nghệ nhân phải xếp các lá buông lên khung tranh liền mí như một khối lá thống nhất rồi dùng bút lửa (đầu bằng bằng sắt, có tiết diện như bút bi và có nối nguồn điện để đốt lá). Sự tài hoa của đôi tay nghệ nhân sẽ chạm trổ trên đó những nét chấm phá để đảm bảo khi hoàn thành sẽ giống hệch với bức ảnh mẫu của người đặt hàng. Còn nếu khách muốn tranh có lên màu thì giải pháp dùng sốt (nguyên liệu trong hội họa) sẽ tối ưu.
Tranh lá buông phong cảnh Ao Bà Om, Trà Vinh (ảnh Bắc Bình)

Tranh lá buông phong cảnh Ao Bà Om, Trà Vinh

Ảnh: Bắc Bình

Những bức tranh vẽ chữ, ảnh thần tài hoặc ảnh gia đình, chân dung nhân vật…có khổ lớn tương đương với tấm liễn lịch tết giá chỉ từ 2 - 3 triệu đồng, trong khi để hoàn thành nó, nghệ nhân phải làm liên tục trong hơn tuần lễ mới xong. Do vậy, Tết này, nghệ nhân Huỳnh Lộc chỉ nhận làm tranh cho một số người quen trong tỉnh. Nói về độ bền của sản phẩm, Huỳnh Lộc cho biết còn tùy thuộc vào nguyên liệu gỗ được chọn làm khung, nền làm của bức tranh, riêng phần liễn chữ trên lá buông thì đến vài chục năm sau cũng vẫn ổn định.
“Ngày nay, nghệ thuật vẽ tranh, viết chữ trên lá buông của đồng bào Khmer không đơn thuần là phương pháp để truyền bá kinh Phật chữ cổ nữa mà còn là nét văn hóa độc đáo của địa phương và được cộng đồng xã hội đón nhận. Việc duy trì, phát triển sản phẩm vẽ, viết trên lá buông của nghệ nhân Huỳnh Lộc là một hướng đi sáng tạo để giữ nghề và sẽ có sức lôi cuốn những người yêu tranh cùng quan tâm, chia sẻ”, ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban quản lý di tích (Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh), cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.