Độc đáo tục người người và trẻ con đi 'khất thực' đầu năm

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
17/02/2018 11:12 GMT+7

Đó là một tục lệ chẳng biết có từ bao giờ ở vùng biên ải H.Hướng Hóa (Quảng Trị, giáp với nước bạn Lào), chỉ biết rằng cả người xin và người cho đều có những niềm vui ngày đầu năm...

Sáng mùng 1 tết, tại “thị trấn cửa khẩu” Lao Bảo (H.Hướng Hóa), khi những người dân địa phương (là người Kinh) chưa ra khỏi nhà, thì khắp các ngõ hẻm, bà con dân tộc Pa Kô – Vân Kiều đã ríu rít rủ nhau đi xin lộc năm mới.
Trong số này, thậm chí có cả một số đồng bào dân tộc Lào anh em, sống sát biên giới cũng “nhập hội”.
Khắp ngõ hẻm TT.Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), bà con vùng cao đi "khất thực" đầu năm. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Những người khất thực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, mang gùi đi gõ cửa từng nhà ngay ngày đầu năm mới. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Những người vùng cao xin lộc đi thành từng nhóm nhỏ 5 đến 7 người, chủ yếu chỉ gồm phụ nữ và trẻ em. Bằng những đôi chân trần, phủ màu bụi đất, họ mang theo cả gùi, túi bóng đựng quà để đến gõ cửa, xin gia chủ những món quà đầu năm. Khi được nhận quà, những người này sẽ khiêm nhường ngồi cúi thấp xuống như thể hiện sự cảm ơn.
Khi nhận quà, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều thường cúi người để thể hiện sự biết ơn đối với gia chủ. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Hỏi ra mới hay, đây là một truyền thống, một nét văn hóa đã tồn tại từ nhiều năm, xưa bày nay làm. Trái với người miền xuôi, thường quan niệm đầu năm đi xin là “xui”, thì đồng bào Pa Kô – Vân Kiều ở đây cho rằng đi xin lộc đầu năm là…may mắn.
Bởi nếu tính ra giá trị vật chất, những món quà mà bà con đi xin không lớn. Đó chỉ là vài chiếc kẹo, mấy cái bánh, hay những bộ áo quần cũ, nhưng đối với họ, đó là...lộc.
Những món quà tặng đôi khi chẳng có giá trị lớn, ví như những cái kẹo. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Chị Hồ Thị Phết (bản Ka Túp, TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa) thật thà cho hay năm mới, chị đi xin lộc để về chia cho trẻ em trong bản để các em được may mắn và đón tết vui hơn. “Năm nào tôi cũng đi, cả mùng 1 và mùng 2, chủ yếu là cho vui. Nhưng thi thoảng cũng gặp những chủ nhà tốt, họ cho một số tiền lớn”, chị Phết nói.
Có bao nhiêu khách đến khất thực, các nhà dân ở thị trấn vùng biên này cũng "phục vụ". ẢNH: NGUYỄN PHÚC


Nhưng câu chuyện “xin cho” đầu năm ở vùng cao không chỉ mang lại niềm vui một chiều, bởi bản thân những người cho cũng thực sự mở lòng. Vì thế, với đa số người dân TT.Lao Bảo, thì những ngày đầu năm mới việc tiếp đón những người đồng bào dân tộc anh em đến xin lộc đã trở thành một nếp quen... Bởi, ngày đầu năm, làm việc thiện, sẻ chia tình thương, sẽ làm cho tâm hồn của người ta được khoan khoái, hướng thiện hơn.
Nên anh Nguyễn Hữu Nam (trú TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa) cho rằng: “Gia đình cũng không có gì nhiều nhưng chưa bao giờ anh từ chối tặng quà khi có nhóm người “khất thực” đến gõ cửa. Bởi nói sâu xa, hàng chục năm về trước, khi thế hệ cha ông tôi lên đây làm kinh tế mới, nếu không có đồng bào vùng cao đùm bọc thì làm sao có ngày hôm nay”.
Người dân TT.Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đã quá quen với việc đón những vị khách khất thực ngay trong ngày đầu năm và ai cũng hăm hở cho quà. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Vậy nên mới nói, xin lộc đầu năm mới, một nét văn hóa riêng, được xây dựng từ tình cảm yêu thương, đùm bọc, của những đồng bào dân tộc anh em từ quá khứ đến hiện tại, đã và đang trở thành một truyền thống tốt đẹp nơi núi rừng biên cương của tỉnh Quảng Trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.