Đây là ý tưởng của Phạm Ngọc Trinh cùng các bạn sinh viên Trường ĐH Công thương TP.HCM, vừa đoạt giải ba tại cuộc thi "Sinh viên Công thương với ý tưởng khởi nghiệp lần 4 năm 2023".
Trinh cho biết trước đây xơ mướp thường được gia đình dùng làm miếng rửa chén. Sau khi lấy hạt giống gieo trồng, phần xơ già đôi khi bị bỏ đi rất lãng phí. Do vậy, cô gái và các bạn trao đổi ý tưởng với giảng viên ngành công nghệ dệt may để tìm cách tạo ra những sản phẩm mới có giá trị hơn.
"Hiện nay trên thị trường có nhiều đồ gia dụng làm từ xơ mướp, tuy nhiên nguyên liệu này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Từ gợi ý của cô và các bạn, mình nghĩ nếu lấy xơ mướp làm túi xách sẽ là ý tưởng độc đáo và thú vị. Những mẫu túi thời trang cao cấp còn góp phần làm tăng giá trị sản phẩm lên nhiều lần và vừa bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng sống xanh của nhiều người trẻ", Trinh nói.
Vậy là không chỉ làm dụng cụ chà rửa, đồ lót ly, tấm cách nhiệt, xơ mướp còn được nhóm tạo thành bình hoa, túi xách, tranh thêu, đèn ngủ, gối nằm... Những ý tưởng sáng tạo kết hợp cùng đường may khéo léo và tỉ mỉ đã biến một miếng xơ mướp thô sơ thành sản phẩm đẹp mắt, có giá trị.
Nhằm tăng thêm phần ấn tượng, nhóm còn dùng vải màu và len để thêu họa tiết hoa, lá, cỏ cây... trên sản phẩm.
Theo Trinh, xơ mướp già thu mua từ nhà vườn sẽ được làm sạch, phơi nắng và ép với nhiệt độ thích hợp sao cho không bị biến dạng. Sau khi lên ý tưởng, nhóm tiến hành nhuộm màu và may thành túi xách, gối, đèn ngủ, bình đựng hoa...
Khác với những loại vải thông thường, việc nhuộm và may xơ mướp khá khó vì sợi lớn, thô cứng. Trinh thường dùng màu tự nhiên từ các loại rau củ như lá cẩm, gấc... nhuộm nhiều lần cho tới khi có màu sắc ưng ý.
"Trong lúc nhuộm, nếu phơi xơ mướp dưới nắng gắt sẽ dễ bị phai màu, thay vào đó mình để dưới bóng râm, nắng nhẹ từ 7 - 8 tiếng đồng hồ, vừa đảm bảo nguyên liệu khô hoàn toàn, màu lại bền hơn", Trinh chia sẻ và nói khi vệ sinh túi xách bằng xơ mướp, người dùng không lấy bàn chải chà trực tiếp lên bề mặt hoặc dùng chất tẩy rửa mạnh vì có thể làm giảm tuổi thọ sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Lan, giảng viên Khoa Công nghệ may và thời trang, Trường ĐH Công thương TP.HCM, là người hướng dẫn dự án, cho biết nhóm sinh viên đã rất nỗ lực. Dù đến từ nhiều khoa khác nhau, như: marketing, dệt may, ngôn ngữ Anh... nhưng khi tham gia làm túi xách từ xơ mướp, mỗi bạn đều cố gắng tự thiết kế và may được sản phẩm hoàn chỉnh. Nhờ vậy, nhóm có nhiều ý tưởng và sản phẩm đa dạng, mang phong cách riêng.
Bà Huỳnh Minh Băng Nga, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, Công ty TNHH DKSH Việt Nam, nhận xét dự án làm túi xách từ xơ mướp đã giúp khai thác tối đa nguyên vật liệu của vùng trồng và làm nên sản phẩm có giá trị cao.
"Trước giờ mọi người xem xơ mướp là nguyên liệu khá bình thường, chỉ làm dụng cụ chà rửa nhưng ít ai biết may túi xách, vật phẩm trang trí, gối nằm... Những đồ dùng này có thể bán lên sàn thương mại điện tử Amazon để tiếp cận với khách hàng nước ngoài, vừa giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, quốc gia. Tuy nhiên vì là hàng thủ công nên các bạn cần tạo nhiều mẫu mã đa dạng, thiết kế tinh tế để thu hút người mua", bà Nga gợi ý.
Bình luận (0)