Bạn hẹn tôi cuối buổi chiều gặp ở quảng trường Ý (Place d’Italie), bảo rằng “tối nay Paris sẽ chìm trong âm nhạc tưng bừng”. Paris của âm nhạc, của những đêm tiệc tùng tới sáng thì tôi đã trải qua. Một Paris hội hè tôi đã thấy được phần nào, nhất là trong mùa hè bóng đá. Nhưng cái đêm mà giới trẻ Paris chờ đợi cả năm, một năm mới có một lần, còn hứa hẹn nhiều bất ngờ sửng sốt mà rồi tôi sẽ kinh qua trong chốc lát nữa thôi.
Tô phở rất to bốc khói trên quận 13, nước và thịt thơm ngon, ngọt lịm dù bánh phở khô không mềm như loại phở tôi vẫn ăn mỗi buổi sáng Sài Gòn. Nhưng lúc bấy giờ tôi không đang ở trong tâm thế thư thái để ngồi đấy mà nhấm nháp, mà so sánh tô phở 8,5 euro, tức khoảng 210.000 đồng, giữa Paris với một tô đặc biệt 80.000 đồng ở Sài Gòn. Tôi phải ăn nhanh nhanh, bởi âm nhạc ngoài kia đang vẫy gọi.
Thoạt tiên, chào đón chúng tôi trên đường phố Paris là bản thánh ca của một ca đoàn trước nhà thờ. Thanh âm cao vút, trong ngần tan loãng vào cái không gian hội hè đang chơm chớm ngoài kia. “Anh cứ dừng lại mà quay phim đi, nhưng hãy biết phân phối thời gian bởi còn nhiều lắm. Anh sẽ biết thế nào là hội hè miên man ở Paris, như Hemingway từng nói”, người bạn Paris khơi gợi. Cho nên dù bị giai điệu du dương níu chân ở góc trầm lắng này, tôi vẫn phải bước đi vào những chốn nhộn nhịp hơn, phía ngoài xa kia.
|
Place Monge là khu phố cổ rất đẹp ở quận 5 mà tôi đã gặp từ hồi xưa xa lắc. Tôi nhớ lúc vỡ lòng tiếng Pháp, cuốn Le Nouveau Sans Frontières 1 trong bài Un Printemps à Paris (Một mùa xuân ở Paris) có nhắc đến Place Monge, cũng như đại lộ Champs-Élysées lừng danh ở quận 8. Không ngờ một ngày nào đó tôi lại được gặp những địa danh trong trang sách học. “Anh thấy không, ở nơi đây, bóng đá đã nhường chỗ cho âm nhạc. Người ta chỉ biết âm nhạc, hòa vào âm nhạc, nhảy nhót cùng âm nhạc. Có ai quan tâm tới bóng đá đâu”, anh bạn Paris bình luận, khi ở giữa một đám đông nghẹt nhún nhảy cùng ban nhạc rock đang cháy hết mình trên sân khấu. Ở đây, bóng đá đang hòa quyện cùng âm nhạc hay âm nhạc cạnh tranh, làm lu mờ bóng đá, thật khó mà minh định rạch ròi.
Chỉ biết rằng, khi đến gần tòa Panthéon, nơi có mộ phần của những danh nhân Alexandre Dumas (cha), Victor Hugo, Marie Curie..., chúng tôi đã lại chìm đắm với điệp khúc: “We Will Rock You”, “We are the Champions”. “Chúng ta là nhà vô địch, Chúng ta tiếp tục chiến đấu đến cùng”, lời bài hát của Queen hiểu thế nào cũng có thể liên hệ tới giải bóng đá đang diễn ra. Giữa Paris là một ban nhạc vô danh, nhưng sự bùng nổ của họ và sự háo lửa của đám đông cháy bỏng không kém cái không khí tại quảng trường Độc lập ở Kiev 4 năm về trước, khi một Queen bằng xương bằng thịt thiếu vắng Freddie Mercury (tất nhiên) hát trên fanzone trong mùa hội bóng đá quá vãng. Tôi liên tưởng tới Kiev không chỉ bởi bài hát của Queen, mà còn bởi fanzone ở Kiev, giữa đại lộ Khreshchatyk và quảng trường Độc lập mênh mông, ít lâu sau ngày hội hè, đã trở thành tâm điểm của một cuộc xung đột đẫm máu. Sân đấu Donbass nguy nga ở Donetsk, miền đông Ukraine, nơi diễn ra những bữa tiệc bóng đá không thể quên của Euro 2012, sau đó đã hứng chịu nhiều quả đạn pháo. Chuyện này cứ ám ảnh tôi không nguôi.
Nói đâu xa xôi, ngay giữa Paris này, ngày hội âm nhạc 21.6, ngày nước Pháp chào đón mùa hè, cũng đã buộc phải thu hẹp về quy mô, vài sự kiện lớn bị hủy bỏ bởi quan ngại về khủng bố. Vui sướng và thương đau, hân hoan và sợ hãi cứ như thể cách nhau chỉ gang tấc vậy. Sau cơn hào hứng, tôi thoáng ngẩn ngơ và chỉ trở về thực tại khi hai bạn trẻ Paris kéo áo: “Ta đi tiếp thôi anh, còn nhiều lắm”.
Paris trong đêm âm nhạc, người ta leo lên cửa sổ tòa nhà cũ xưa để xem, để nghe; người ta tràn xuống bờ sông Seine, nơi con đường mà ngày tôi đến còn bị nước lũ nhấn chìm, để uống bia và chơi nhạc, để hát và khiêu vũ; người ta công kênh nhau, ôm hôn nhau; ở đây cao vút thánh ca, ở kia dìu dặt tango, kia nữa là rock cuồng nhiệt. Những con người Pháp thích áo sẫm màu và ăn nói nhỏ nhẹ ngày thường giờ vồn vã và nổi sôi không kém bất kỳ ai. Và nữa, những người Đức, người Bắc Ireland vừa trở về từ trận cầu trên sân Công viên các hoàng tử, những người Iceland và Áo vừa đến để chờ đón trận cầu sắp diễn ra trên Stade de France, tất cả cùng nhún nhảy, cùng người Pháp chan hòa.
Chính là âm nhạc và bóng đá quyện vào nhau, cộng hưởng tạo nên đêm vui bất tận này. Chúng tôi trở về khi đã qua ngày mới, vẫn thấy dòng người ngược xuôi đang tìm tới những chốn vui, vẫn nghe âm nhạc sôi nổi ở đâu đó ngoài kia vọng vào.
Paris đêm ấy ngập trong giai điệu.
Bình luận (0)