Không khó hiểu khi công chúng dành sự quan tâm như vậy, bởi ông Abe là thủ tướng lâu năm nhất trong lịch sử cận đại Nhật Bản và với cá tính của một chính trị gia kiệt xuất, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong cả nội chính và ngoại giao.
Ông mất đột ngột trong vụ ám sát ngày 8.7.2022 ở tuổi chưa đến cổ lai hy.
Khi biết tin cuốn hồi ký đã phát hành, tôi hơi ngạc nhiên vì nghĩ ông Abe chưa đến thời điểm viết hồi ký. Ngày 28.8.2020, ông tuyên bố từ chức thủ tướng vì bệnh viêm đại tràng tái phát, nhưng ông vẫn làm thủ lãnh của phái Abe là phe phái mạnh và đông nhất trong đảng Tự do Dân chủ (LDP), tiếp tục ảnh hưởng trên chính trường Nhật Bản. Phái này hiện vẫn giữ tên Abe và chưa bầu được thủ lãnh mới vì tuy có nhiều người giỏi, nhưng không ai có uy tín tuyệt đối như ông Abe. Nhưng cũng may là cuốn hồi ký kịp hoàn thành trước khi Abe không còn nữa.
Theo lời nói đầu của 2 nhà báo phụ trách việc biên tập hồi ký, ngoài hơn 300 tập tư liệu của chính ông Abe lưu trữ và các văn thư liên quan chính phủ trong các giai đoạn ông cầm quyền, từ tháng 10.2020 - 10.2021, nhóm biên tập thực hiện 18 cuộc phỏng vấn (tổng cộng 36 tiếng) với vị cựu thủ tướng để hiểu cụ thể, chi tiết hơn về hành động, suy nghĩ của ông trong các quyết định quan trọng.
Hồi ký dày 472 trang cho thấy nhiều nội dung quan trọng liên quan các quyết định đối nội, đối ngoại; nhiều nhận xét, giai thoại thú vị của ông về các lãnh đạo của những nước lớn.
Nghệ thuật lấy lại lòng tin của dân
Ông Abe sinh năm 1954, đắc cử dân biểu quốc hội năm 1993. Từ khoảng năm 2000, ông nổi lên như một chính khách có năng lực lãnh đạo Nhật Bản trong tương lai.
Dưới thời Thủ tướng Koizumi Junichiro (2001 - 2006), ông Abe được giao giữ các chức vụ quan trọng trong đảng và chính phủ, như Tổng thư ký LDP và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (ở Nhật đây là bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các) lúc tuổi đời còn trẻ và thời gian ở chính trường còn ngắn. Trong các cuộc thăm dò dư luận, ông luôn dẫn đầu danh sách các chính khách được dân chúng kỳ vọng sẽ là thủ tướng. Và ông đã thành công trong cuộc bầu cử Chủ tịch LDP vào tháng 9.2006 và trở thành thủ tướng thứ 57 của Nhật Bản.
Tuy nhiên, nội các của ông lúc này gặp nhiều khó khăn, nhiều bộ trưởng phải từ chức vì phát ngôn gây phản cảm. Rồi sau khi nhậm chức, ông bị phát bệnh nên từ chức chỉ sau khoảng 1 năm tại vị.
Diễn biến ấy khiến ông tuyệt vọng, nhưng chỉ sau 5 năm thì ông trở lại lãnh đạo chính phủ và những bài học từ kinh nghiệm thất bại lần đầu đã giúp ông liên tiếp cầm quyền gần 8 năm.
Sự kiện giúp ông tự tin trở lại là chuyến đi leo núi vào mùa xuân 2008. Tại đó, nhiều người thấy ông là đến gặp hỏi thăm sức khỏe và tỏ ý muốn ông trở lại vị trí lãnh đạo. Được khích lệ, vị cựu thủ tướng tự tin trở lại và nghĩ đến một chiến lược lấy lại lòng tin của dân. Ông nhận định là nếu thắng lớn trong bầu cử dân biểu sắp tới thì khả năng trở lại làm thủ tướng sẽ cao.
Trong quá trình vận động bầu cử (năm 2009), trở về đơn vị địa phương của mình ở tỉnh Yamaguchi, ông không làm theo cách thường thấy ở các chính trị gia là tổ chức các buổi diễn thuyết có hàng trăm người nghe, mà gặp cử tri từng nhóm nhỏ 20 người trở lại để lắng nghe, đối thoại với họ. Ông cho rằng nói chuyện trước mấy trăm người thì cử tri chỉ "nghe Abe nói", còn tiếp xúc trong nhóm nhỏ độ 20 người thì cử tri "nói chuyện với Abe". Trong gần một năm chuẩn trị tranh cử dân biểu hạ viện, Abe đã tổ chức tới 300 cuộc tiếp xúc như vậy.
Kết quả đúng như dự tưởng, trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 8.2009, ông Abe thắng áp đảo trong lúc LDP thì thất bại, nên chính quyền vào tay đảng Dân chủ. Tháng 9.2012 Abe trở lại cương vị Chủ tịch đảng LDP trong cuộc tranh cử với 3 chính khách khác. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12.2012, LDP thắng lớn và ông Abe quay lại vị trí thủ tướng.
Dấu ấn ngoại giao
Tôi rất ấn tượng khi đọc phần về hoạt động ngoại giao của ông Abe. Từ khi cầm quyền lần thứ hai, trong gần 8 năm, ông đi thăm tới 80 nước với tổng cộng 176 lần. Ông cho rằng trên vũ đài quốc tế, Nhật Bản nên tự tin hơn, nên ý thức mình là một nước lớn. Ý thức nước lớn để tự tin chứ không phải để kiêu ngạo. Trong việc bảo vệ lợi ích của Nhật, ông đặc biệt có thái độ mạnh không chỉ đối với Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước có quan hệ phức tạp về lịch sử.
Thậm chí, ông còn có thái độ mạnh mẽ với cả đồng minh là Mỹ. Chẳng hạn Washington muốn nối kết sự kiện Tổng thống Barack Obama ngày 27.5.2016 đi thăm Hiroshima với việc ông Abe ngày 27.12.2016 đi thăm Trân Châu cảng vào cùng một chuỗi hàn gắn vết thương trong lịch sử. Trong đó, Hiroshima là nơi mà Mỹ ném bom nguyên tử vào năm 1945, còn Trân Châu cảng là căn cứ quân sự của Mỹ mà quân đội Nhật tấn công năm 1941.
Biết là có cùng ý nghĩa như vậy, nhưng ông Abe cho rằng cần tách riêng 2 sự kiện vì bản chất không giống nhau. Theo ông, Trân Châu cảng là quân cảng, là một mục tiêu quân sự, còn Hiroshima là một thành phố và bom nguyên tử làm thiệt mạng người thường dân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Chủ trương của ông Abe cuối cùng được Washington đồng thuận.
Di sản lớn nhất mà ông Abe để lại cho thế giới có lẽ là ý tưởng hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Khi thăm New Delhi vào tháng 8.2007 trong nhiệm kỳ thủ tướng lần đầu, ông Abe manh nha ý tưởng kết nối Ấn Độ vào khuôn khổ hợp tác mà Nhật Bản đẩy mạnh, nhưng trước đó chủ yếu hạn chế trong vùng Thái Bình Dương. Đến tháng 8.2016, ông Abe phát biểu về tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở (FOIP) tại Hội nghị Phát triển Phi châu lần thứ 6 (TICAD VI) diễn ra ở Kenya. Hướng đến kết nối châu Á và châu Phi qua một khu vực Indo-Pacific, tầm nhìn này được cụ thể hóa là nhằm đối trọng với Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) của Trung Quốc. Trong hồi ký, ông Abe cho biết việc phát biểu về tầm nhìn FOIP ở một nước ở Phi châu, chứ không phải tại một nước ở Đông Nam Á, là để tránh gây phản ứng từ Trung Quốc. "Diễn thuyết tại Kenya sẽ không được chú ý lắm, nhưng sau đó sẽ tiếp tục chủ trương tại nhiều cơ hội khác nhau và ý tưởng sẽ dần dần thẩm thấu trên vũ đài quốc tế", ông chia sẻ trong hồi ký.
Tầm nhìn, FOIP của Abe đúng là ngày càng được chú ý và triển khai. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5.2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo 12 nước gồm Nhật Bản, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và VN tổ chức lễ Công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific (IPEF). (còn tiếp)
Bình luận (0)