Độc, lạ tranh giấy dừa

Mạnh Cường
Mạnh Cường
29/12/2022 20:24 GMT+7

Những tàu dừa tưởng chừng bỏ đi nhưng qua bàn tay tài hoa của một người đàn ông ở Quảng Nam lại trở thành những bức tranh độc đáo, có giá trị...

Chúng tôi gặp Trương Tấn Thọ, 44 tuổi, chủ cơ sở làm tranh ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An (Quảng Nam) khi anh đang miệt mài xịt nước lên khung tranh. Đây là công đoạn gần cuối. Bởi để hoàn thiện một bức tranh giấy dừa, trước tiên anh lo thu gom bẹ dừa, mang về chẻ bỏ lớp vỏ xanh, chỉ lấy ruột trắng bên trong. Sau đó, đem nấu với vôi trong vòng 24 giờ, xong đem ra nghiền để lấy sợi dừa thô rồi mới xay thành bột giấy. Bột giấy tiếp tục ngâm 3-5 ngày để đạt được bột giấy trắng nhất, tốt nhất. “Điểm đặc biệt của tranh giấy dừa là kỹ thuật in bột bằng áp lực nước. Đây là giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất, bởi nếu áp lực nước quá mạnh những hoa văn, họa tiết sẽ mất đi nhưng quá yếu thì lại không in hằn trên bức tranh. Độ mạnh yếu của áp lực nước cũng sẽ tạo ra lớp giấy dày, mỏng khác nhau quyết định chiều sâu của bức tranh”, anh nói.

Anh Thọ bên những bức tranh giấy dừa

MẠNH CƯỜNG

Trên một khung lưới, anh lấy một lớp bột dừa đã xay nhuyễn quét đều trên khung. Tiếp theo, anh dùng hình hoa sen in trên decal đặt lên lớp bột dừa, dùng bơm nước vặn độ mạnh nhẹ khác nhau xịt trên tấm decal và xung quanh viền. Đến khi cảm nhận được nét hằn vừa đủ trên khung, anh tháo tấm decal. Một hình ảnh hoa sen hiện ra trên khung với tấm bột. Anh chỉnh sửa lại bằng cách giảm nhẹ độ mạnh của vòi xịt nước và hoàn thành bức tranh. Công đoạn tiếp theo là phơi khô, vào khung và lên đèn… “Tranh giấy dừa là một dạng tranh xuyên sáng nên có thể sáng tự nhiên và xuyên sáng bằng đèn. Khi đèn, bức tranh sẽ trở thành một bức phù điêu”, anh Thọ nói.

Dùng áp lực nước để “sáng tác” tranh

Nguyên liệu bình dị, thành phẩm giá trị

Quê gốc anh Thọ ở H.Duy Xuyên. Năm 20 tuổi, anh vào TP.HCM lập nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau nhiều năm, đến năm 2015 anh quyết định về quê. “Từng chứng kiến nhiều bức tranh độc lạ làm ra từ cây dừa nước có giá trị kinh tế cao, mà ở Hội An có rất nhiều dừa nước nên tôi hợp tác với hai cộng sự để thử sức với nghề này”, anh Thọ nói.

Trước khi rời TP.HCM, anh bán căn nhà được gần 1,5 tỉ đồng, cộng với vốn tích góp và vay mượn bạn bè để có được khoảng 2 tỉ đồng khởi nghiệp. Năm 2017, anh bắt tay gầy dựng cơ sở làm tranh từ chất liệu bẹ dừa. Được một thời gian ngắn thì đại dịch Covid-19 ập đến, sản phẩm không thể tiêu thụ. Hai cộng sự cũng tìm nghề mới… Anh đành phải tự động viên mình, vì đã đầu tư tiền tỉ nên gắng bám trụ, không thể buông xuôi.

Một góc trưng bày tranh giấy dừa

MẠNH CƯỜNG

Để hoàn thiện một bức tranh, phải cần 7 - 10 ngày, tùy vào độ khó của từng tác phẩm. Các bức tranh của anh Thọ chế tác được nhiều khách sạn, nhà hàng hoặc gia đình đặt hàng, chủ đề xoay quanh hoa sen, đức Phật, chim hạc… Tất cả công đoạn đều được làm bằng thủ công nên giá mỗi bức tranh bán trung bình từ 4-8 triệu đồng. Những bức tranh đặc biệt, nhiều chi tiết khó, khổ lớn có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở làm tranh giấy dừa của anh bán ra thị trường từ 30-40 bức lớn nhỏ, doanh thu xấp xỉ 200 triệu đồng.

Nhờ cách làm tranh độc đáo này, anh Thọ đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của tự nhiên, vừa hạn chế rác thải ra môi trường lại có thể giúp khoảng 7 lao động là người dân địa phương có thêm thu nhập. Anh đang muốn nhân rộng nghề làm tranh giấy dừa và sẵn sàng “truyền nghề” cho những ai có chung niềm đam mê…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.