Nghệ nhân miền Tây làm đẹp cho kiểng đón tết, kiếm tiền triệu mỗi ngày

23/12/2022 13:15 GMT+7

Nghề sửa kiểng hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào thời điểm cận tết. Nhờ đó, các nghệ nhân ở miền Tây có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Giới chơi kiểng ở miền Tây thường ví nghề sửa kiểng là nghề “làm đẹp” cho cây, giúp tàn nhánh hài hòa, giàu tính nghệ thuật, qua đó cây được nâng cao giá trị. Nghề này hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào vụ tết (bắt đầu từ tháng 10 âm lịch). Bởi, đó là lúc các cơ sở kinh doanh hoặc chủ vườn cần tạo nhiều dáng cây độc, lạ "níu chân" khách, đón tiếp bạn bè, người thân đến chơi nhà vào dịp tết.

Để có cây kiểng đẹp, nhiều lúc thợ sửa kiểng phải đứng cheo leo trên ngọn cây

DUY TÂN

Nâng tầm giá trị cho cây kiểng

Ông Nguyễn Phước Lộc, nghệ nhân có hơn 30 năm kinh nghiệm chơi và sửa kiểng ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết thợ làm nghề sửa kiểng chia làm 2 nhóm. Một nhóm chuyên sửa thông thường như kiểng bông, kiểng trái, kiểng thú, kiểng trang trí. Nhóm còn lại là những nghệ nhân chuyên về cây cảnh nghệ thuật như bonsai, kiểng cổ, tiểu cảnh... Nghệ nhân chuyên sửa kiểng phải có nhiều năm kinh nghiệm, tay nghề cao, am hiểu về đặc tính của từng loại cây và dựa theo dáng thế tự nhiên của cây để chỉnh sửa.

Ông Lộc bên cặp me cổ thụ được ông săn tìm và chỉnh sửa đạt kỷ lục Việt Nam

DUY TÂN

Theo ông Lộc, sửa kiểng bonsai phải "bắt chước" như cây ngoài thiên nhiên với dáng dấp, hình thái, bố cục hài hòa. Các hình dáng thường thấy ở cây bonsai là dáng trực, dáng nghiêng, dáng xiên và dáng thác đổ. Riêng về kiểng tự nhiên, người chơi thường chú trọng đến các tiêu chí như kích thước, đế, rễ, chi… ít can thiệp nhất có thể.

Trong quá trình uốn, sửa, tạo dáng một cây kiểng cần sự khéo léo, tư duy nghệ thuật, kỹ thuật cắt tỉa, đục đẽo, quấn dây... để “biến” một cây kiểng thô thành một tác phẩm có giá trị về nghệ thuật. "Một tác phẩm phải qua nhiều bước chỉnh sửa mất nhiều năm mới hoàn thiện. Nhiều cây kiểng thô qua bàn tay của nghệ nhân có thể nâng tầm giá trị lên hàng tỉ đồng", ông Lộc bật mí.

Mùa sửa kiểng nhộn nhịp vào dịp cận tết, giúp nhiều người có thu nhập khá

DUY TÂN

Đến nay, ông Lộc đã tạo hình và sưu tầm hơn 2.500 tác phẩm; trong đó có 1.000 cây kiểng cổ và 1.500 cây bonsai, có 5 cây đạt kỷ lục Việt Nam. Hầu hết cây kiểng được ông sưu tầm phôi cây từ nhiều nơi đem về chỉnh sửa, tạo hình để bán cho khách chơi. Giá bán từ vài triệu mỗi cây, cá biệt có cây lên đến tiền tỉ.

Chạy sô mùa tết, có tiền triệu mỗi ngày

Có hơn 20 năm theo nghề, nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn (45 tuổi, ngụ TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) được giới chơi cây kiểng biết đến là người chuyên sửa kiểng cổ có tiếng, “kỷ lục gia” sửa kiểng. Bởi ông đã “làm đẹp” cho vô số tác phẩm khắp mọi miền đất nước như: Đồng Tháp, Cần Thơ, TP.HCM… tạo tiếng vang lớn khi giúp hàng loạt cây kiểng đoạt kỷ lục Việt Nam và quốc tế.

Ông Tuấn được mệnh danh là bậc thầy sửa kiểng

DUY TÂN

Ông Tuấn cho biết, ông chủ yếu ông nhận khoán sửa cây cho khách và anh em trong CLB mai vàng Đồng Tháp. Trung bình mỗi năm ông chỉnh sửa hơn 200 cây kiểng, mỗi cây khi hoàn thành có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

“Riêng mùa tết là mùa ăn nên làm ra của nghệ nhân và các thợ sửa kiểng, ai cũng phải chạy sô hết công suất. Thợ phụ vừa làm vừa học nghề thì mỗi ngày được trả thù lao 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người. Thợ đã ra nghề và có thâm niên thì được 500.000 đồng/ngày/người. Nhờ đó thu nhập rất khá”, ông Tuấn nói.

Qua bàn tay của ông Tuấn, nhiều cây kiểng được nâng tầm giá trị

DUY TÂN

Ông Tuấn cho biết, khó khăn nhất đối với nghề sửa mai kiểng là đánh giá cây khoảng bao nhiêu tuổi đời, dự hướng phát triển bộ rễ, tán lá ra sao để lên phương án tạo dáng cho đẹp nhất, an toàn nhất. “Nghề này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, am hiểu rất nhiều yếu tố nghệ thuật như tạo hình, quá trình sinh trưởng của cây, bộ óc trừu tượng phong phú. Điều đó không thể học qua trường lớp nào được cả”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, nghề này cũng lắm vất vả, khó khăn, bởi không chỉ trầm mình suốt ngày dưới cái nắng gay gắt, nhiều chủ nhân cây mai thay đổi ý định tạo dáng liên tục khiến người làm nghề như anh phải rất vất vả. Khó khăn do thời tiết thất thường cũng khiến cho việc thi công ảnh hưởng đến độ sinh trưởng tự nhiên của cây.

Để sửa, uốn những cây cổ thụ, kích thước “khủng”, nhóm thợ của ông Tuấn phải bắt giàn giáo và cheo leo trên đọt cây suốt nhiều ngày để uốn tàn. Thậm chí miệt mài làm việc bỏ bữa, kiệt sức là chuyện thường ngày. "Một số cây tôi sẽ sưu tầm về chỉnh sửa cho đẹp rồi bán lại cho người chơi kiểng hoặc nhiều khách hàng có cây sẵn họ vẫn thuê tôi chăm sóc, tạo hình cho cây của họ. Đặc biệt, vào mùa tết, đối với nghệ nhân việc chạy hết công suất có thể kiếm được vài triệu đồng rất dễ dàng”, ông Tuấn cho biết thêm.

Đối với những cây kiểng cổ thụ, phải bắt giàn giáo cheo leo trên đọt để uốn, sửa

DUY TÂN

Anh Nguyễn Hiếu (23 tuổi), hiện vừa làm vừa theo học nghề sửa kiểng tại CLB mai vàng Đồng Tháp, cho biết: “Nghề này đòi hỏi tính kiên nhẫn, như tôi còn đang trong quá trình học nghề. Để sửa cây kiểng cổ thụ cần sức khỏe dẻo dai, bởi ngày nào cũng phải cheo leo trên ngọn cây, đi tàn bằng dây nhôm. Thợ phụ như tôi mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm. Cuối vụ, cũng kiếm được vài chục triệu ăn tết”.

Nghệ nhân Phạm Hồng Lựu đang (79 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) có thâm niên hơn 40 năm làm nghề sửa kiểng, cho biết vào mùa sửa kiểng tết ở miền Tây, ông phải chạy sô không ngừng nghỉ. Với việc chỉnh, sửa và tạo dáng cho cây, mỗi ngày ông có thu nhập từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Đặc biệt, cây càng có giá trị, sửa xong khách ưng ý khách thì ngoài tiền công, khách còn “bồi dưỡng” thêm gấp 2 - 3 lần. Vì vậy, vào vụ tết, kiếm vài triệu đồng mỗi ngày là bình thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.