Ở TP.HCM có làng nghề đón tết: Nông dân bán mai vàng online, sắm xe hơi

22/12/2022 14:31 GMT+7

Nông dân Làng mai vàng Bình Lợi (H.Bình Chánh, TP.HCM) háo hức mong chờ tết đến sau 1 năm lao động cực nhọc. Nhiều hộ nông dân đổi đời, mua thêm được vài mảnh đất, sắm xe hơi, xây nhà lầu nhờ trồng mai.

Không thể phủ nhận hiệu quả từ trồng mai vàng của người nông dân ở vùng ven TP.HCM. Dọc hai bên đường Vườn Thơm, nhiều chậu mai kê sát nhau, đón nắng những ngày cận tết.

Rẽ vào những đường nhánh, những vườn mai bát ngát với quy mô cả ngàn hecta cùng hàng chục người làm công đang hối hả những ngày giáp tết.

Nông dân lên đời

Hợp tác xã mai vàng Bình Lợi dù mới thành lập được 4 năm nay, nhưng nghề trồng mai vàng đã xuất hiện ở xã Bình Lợi chừng 20 năm trước. Khi ấy, vùng đất rộng lớn giáp Long An này, bà con chủ yếu trồng cây mía duy trì cuộc sống.

Hiện làng mai Bình Lợi đang có khoảng 500 hộ làm nghề

vũ phượng

Theo ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi cho biết, giống mai được trồng ở đây chủ yếu là mai giảo Thủ Đức. Ngày trước, một số người trồng mai ở Thủ Đức về Bình Lợi thuê đất trồng mai, thấy hiệu quả kinh tế cao, người nông dân trong vùng dần chuyển đổi.

Đến nay, cả xã đã có khoảng 500 hộ nông dân trồng mai vàng với tổng diện tích khoảng 600 ha. “5 năm trở lại đây, quy mô trồng từ vài chục ha mà lên tới 500 – 600 ha. Mỗi ha trồng mai cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi cây trồng của nhà nước, các hộ chuyển từ trồng mía sang trồng mai vàng”, ông Thiện nói.

Ông Thiện cho biết, lợi nhuận từ cây mai mang lại cho người nông dân là quá lớn

vũ phượng

Ông Thiện đang thuê 15 nhân công làm việc quanh năm để chăm vườn mai

vũ phượng

Giám đốc HTX Mai vàng Bình Lợi so sánh, ngày trước trồng mía lợi nhuận của người nông dân rất thấp. Đất ở làng có thổ nhưỡng phù hợp với trồng mai nên năng suất tốt, nhiều nhà mua xe hơi, xây nhà lầu nhờ trồng mai. Gia đình ông Thiện với 8 năm trong nghề cũng có điều kiện mua thêm đất để mở rộng quy mô.

Nông dân bán hàng online

Từ khi còn nhỏ xíu, bà Phạm Thị Kim Thúy (hiện là chủ vườn mai Dương Đức Xuyên) đã thấy ông ngoại trồng mai vàng bán vụ tết. Năm 2002, bà cũng bắt đầu thử sức và gắn bó với công việc này đến ngày nay.

Theo bà Thúy, kinh tế của cả gia đình phụ thuộc vào cây mai rất nhiều. “Ngày trước trồng mía, kinh tế khó khăn. Đến khi chuyển qua trồng mai thì đỡ hơn nhiều, nhà tôi mua được mấy miếng đất để mở rộng trồng mai, tiếp tục phát triển, mở rộng”, chủ vườn mai chia sẻ.

Theo những người nông dân ở Bình Lợi, trồng mai quan trọng nhất là sự tỉ mỉ, chăm sóc, bắt bệnh từ kinh nghiệm, kiến thức tự học hỏi

vũ phượng

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhà bà Thúy có riêng một vườn mai đại trên 10 năm tuổi chuyên những cây có đường kính gốc trên 50 cm phục vụ người dân chơi tết. Những gốc mai này dao động từ 50 triệu đến cả trăm triệu mỗi gốc, phải bứng bằng xe cẩu để đảm bảo bộ rễ không hư hại.

Bà Thúy kể: “Ngày trước tôi chỉ bỏ mai sỉ cho các mối, nhưng vài năm trở lại đây, thời buổi công nghệ phát triển nên tập tành bán online. Ai ngờ có cả khách lẻ, khách sỉ vào mua online luôn. Năm ngoái nhà tôi bán ra thị trường hơn 2.000 gốc, năm nay mong duy trì được mức này”.

Nhiều người Trà Vinh lên làm thuê và ở tại các lán gần vườn mai chục năm qua

vũ phượng

Không chỉ giúp kinh tế gia đình phát triển, với quy mô lớn, vườn mai của bà Thúy, ông Thiện cũng như nhiều hộ khác còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhiều bà con từ miền Tây lên.

Vợ chồng chị Kim Thiệp Phanh (41 tuổi, quê Trà Vinh) đang ở trong lán cạnh vườn mai cùng 3 con nhỏ và 5 gia đình khác. Tất cả đều là người dân tộc Khmer lên TP.HCM làm mai thuê và ở đây gần chục năm, con cái được chủ vườn hỗ trợ làm tạm trú để xin đi học.

Nhờ trồng mai vàng, nhiều nông dân đổi đời. Trong ảnh là ông Thiện và ông Xuyên - hai vườn mai lớn ở Làng mai vàng Bình Lợi

vũ phượng

Mỗi ngày, chị Phanh làm từ 6 giờ - 11 giờ, thu nhập 200.000 đồng, cận tết có thêm việc thì tăng ca chiều, tính tiền thêm. “Công việc này cũng nhàn, dễ làm, ông chủ tốt bụng cho ở không lấy tiền nên tụi tui làm đó đến giờ. Ngày tết còn có thêm thưởng tết, năm nào thấy dư dả thì về quê, không thì ở Sài Gòn ăn tết luôn”, chị nói.

Ngoài các nhân công cố định làm việc quanh năm, cận Tết các chủ vườn mai còn tuyển thêm người nhặt lá với giá 40.000 đồng/giờ, bứng mai 800 ngàn – 1 triệu đồng/ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.