Đọc lại thơ Xuân Quỳnh: Tính nữ không là một phẩm chất đạo đức

25/10/2022 11:34 GMT+7

Đã 34 năm qua đi, người mất dĩ nhiên không còn khả năng nói về tác phẩm của mình.

Mà, ngay sau khi tác phẩm ra đời, tác giả đã gần như mất quyền nói về tác phẩm của họ. Bởi lúc này đây, sự đọc sẽ làm nên những tác phẩm mới nối tiếp nhau.

Hội thảo “Xuân Quỳnh: Một cách nhìn khác” trong khuôn khổ Se sẽ chứ 2022 do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sáng lập trước hết là nói về sự đọc, mà cụ thể là sự đọc với thơ Xuân Quỳnh. Một hội thảo khó mà giải quyết triệt để được vấn đề này, nhưng nó đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho việc đọc Xuân Quỳnh, trước hết là đọc lại, rồi mới có sự đọc khác.

Tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân

Nguyễn Thị Huế

Khoảng cách của Xuân Quỳnh

Năm 1979, cuốn sách The Madwoman in the Attic (tạm dịch Người đàn bà điên trên gác mái) do hai nhà nghiên cứu văn học Sandra Gilbert và Susan Gubar đã đặt nền móng lý luận cho văn học nữ quyền, tính đến thời điểm này là chưa tới 50 năm, trong khi các tác giả nữ trên thế giới thì xuất hiện lâu hơn thế rất nhiều. Tức là, những công trình lý luận một cách hệ thống về văn học nữ quyền chỉ mới ra đời sau phong trào sinh viên Pháp năm 1968 làm rúng động thế giới phương Tây. Các nhóm tâm điểm của phong trào phản văn hóa này ở Âu-Mỹ bao gồm: sinh viên trẻ, phụ nữ, người da màu và các dân tộc thiểu số. Họ đã dấy lên phong trào dân chủ, phong trào giải phóng phụ nữ và phong trào dân quyền. Cái được của phong trào này là sự nở rộ của văn chương nữ quyền ở Mỹ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nó phát triển cùng với làn sóng di dân của người châu Á qua những cái tên tiểu biểu như Maxine Hông Kingston, Ami Tan… và cùng với sự đấu tranh phân biệt chủng tộc của người Mỹ gốc Phi qua các nhà văn, nhà thơ da đen như Alice Walker, Maya Angelou…

Cột mốc thứ hai của sự bùng nổ lý thuyết nữ quyền là cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau Chiến tranh lạnh; các vấn đề mang tính phản kháng tập trung vào ba trục, đó là giai cấp, giới tính và chủng tộc, song vấn đề về giới hay chủ nghĩa nữ quyền tiên phong hơn cả. Năm 1993, tiểu thuyết gia Toni Morrison trở thành nữ văn sĩ da màu đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học.

Học giả Lại Nguyên Ân

Nguyễn Thị Huế

Ngày nay, phụ nữ đã được những điều họ muốn, y hệt đàn ông, họ được tham gia vào chính trường, trở thành một phi hành gia hay làm bất cứ điều gì mà đàn ông được phép làm. Nữ quyền có vẻ như đang bị xem là lỗi thời? Chưa cần bàn đến những nơi mà phụ nữ còn đang phải chịu nhiều bất công, chỉ ngay trong câu nói trên, ta đã thấy được phụ nữ chưa bao giờ thoát ra khỏi sự đối trọng với đàn ông. Chịu ảnh hưởng của tư duy xã hội nam trị lâu dài, tính nữ như một thuộc tính được sinh ra từ mặt đối lập của tính nam, và vì vậy nó vẫn lệ thuộc vào chủ thể là tính nam. Điều này có thể ngay lập tức bị phản bác, bởi nhiều người cho rằng, về mặt sinh học tự nhiên, nam nữ đã có sự khác biệt

Giáo sư Đới Cẩm Hoa khoa Trung văn của Đại học Bắc Kinh, đồng thời là một nhà nữ quyền, từng phát biểu về vấn đề này: “Tôi nghĩ rằng các bạn ngồi đây sẽ không hỏi tôi, vậy còn chuyện chúng ta là nữ giới về mặt sinh học thì sao? Tôi đã nói rằng chỉ vào ngày đó, chúng ta mới trả lời được mức độ nào mà sinh lý quyết định sự khác biệt về giới tính. Đó là khi các phát biểu về văn hóa, áp bức, kỳ thị bị xóa bỏ, chúng ta mới có thể nói rằng chúng ta được quyết định bởi sinh lý của mình đến mức nào. Đồng thời, về mặt cấu trúc sinh học, chúng ta thuộc quần thể chứ không phải cá thể đến mức độ nào? Tôi thường nói rằng khoảng cách giữa một người phụ nữ và một người phụ nữ không nhỏ hơn khoảng cách giữa một người phụ nữ và một người đàn ông”.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và chủ trì hội thảo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nguyễn Thị Huế

Đọc sai tính nữ

“Khoảng cách của Xuân Quỳnh” trong một thời gian dài được đọc theo thuộc tính “quần thể” (trong tương quan nhóm giới tính, đàn ông và phụ nữ), thay vì thuộc tính “cá thể” (với một người vô tình mang giới tính nam hay giới tính nữ). Nhắc tới tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh, người ta nghĩ đến: tình cảm da diết dành cho chồng con, làm tốt vai trò một hậu phương vững chắc, sự nhạy cảm tinh tế chỉ phụ nữ mới có… và chủ yếu xoay quanh mảng thơ tình của bà.

Ở thế kỷ trước, diễn ngôn về tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh thường được xem là ưu điểm của phụ nữ. Và khi đặt Xuân Quỳnh trong tương quan thuộc tính quần thể, thì các diễn ngôn truyền thống tương đương một lời ca ngợi. Ta có thể gặp những diễn ngôn kiểu này khắp nơi, nhất là trong sách giáo khoa.

Toàn cảnh hội thảo Xuân Quỳnh: Một cách nhìn khác

Nguyễn Thị Huế

Một tham luận vô cùng nổi bật năm nay tại Se sẽ chứ chính là Đọc lại tính nữ (femininity) trong thơ Xuân Quỳnh. Trong bài diễn thuyết của mình, tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân nói về thói quen tư duy xã hội trong mối quan hệ nhị đối (binary opposition), đồng thời định nghĩa lại tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh. Để trả lời cho câu hỏi “Ai khiến Xuân Quỳnh nữ tính?”, tiến sĩ Hồ Khánh Vân đã sử dụng lý thuyết giới, để đi đến kết luận rằng, “Toàn bộ các yếu tố tham gia vào đời sống xã hội và đời sống văn học đã gia dự vào sự kiến tạo và duy trì tính nữ: cấu trúc giới tính trong xã hội, truyền thống sáng tạo và truyền thống tiếp nhận của người đọc, yếu tố nội tại trong thơ Xuân Quỳnh cũng như tư chất sáng tạo của nhà thơ”. Có quá nhiều cách hiểu sai về giới qua sự phân định tuyệt đối giữa giới, tạo nên tính nam bá quyền (hegemonic masculinity) và tính nữ bá quyền (hegemonic femininities)”. Bên cạnh đó, bài tham luận còn đi sâu chứng minh luận điểm thơ Xuân Quỳnh có dồi dào những đặc trưng quy về tính nam trên trục nhị nguyên.

Ngoài ra, một vài học giả đã mang đến hội thảo những góc nhìn về Xuân Quỳnh trong tương quan vượt ra khỏi giới và những thuộc tính quần thể, tuy ít nhiều vẫn còn bề nổi, như trường hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu bình hành (song song) nghiên cứu tính nữ thơ Xuân Quỳnh và thơ Marina Tsvetaeva thông qua góc nhìn từ bi kịch (Marina Tsvetaeva treo cổ chết năm 1941). Cũng có những học giả đến để nói những diễn ngôn về Xuân Quỳnh như mấy chục năm nay người ta vẫn nói, đọc thơ, rồi xúc động. Trong những cơn xúc động ấy, tính nữ của thơ Xuân Quỳnh một lần nữa lại được chiếu qua lăng kính tình yêu, tạo thành một sự phân định tuyệt đối giữa tính nữ và tính nam. Ví dụ như việc tính nữ của thơ Xuân Quỳnh được nhìn nhận thông qua việc bà yêu mẹ chồng của mình. Câu hỏi đặt ra, Lưu Quang Vũ có viết thơ dào dạt tình cảm dành cho bố mẹ vợ không? Nếu có, thì ở chiều ngược lại, tính nam của ông có bị mất không? Xuân Quỳnh vẫn giữ được tính nữ nếu bà không yêu mẹ chồng của mình chứ? Và liệu việc yêu một con người đơn thuần không nằm trong trục quan hệ trai gái có làm giảm đi tính nữ của thơ bà?

Ta thấy rõ ràng, các diễn ngôn cũ về Xuân Quỳnh vẫn rất mạnh mẽ, việc bảo lưu các diễn ngôn ấy bao giờ cũng cần thiết, bởi vì nó là một tham chiếu cho diễn ngôn mới, vừa khác biệt vừa có mối liên hệ với chủ thể. Thơ Xuân Quỳnh không thoát khỏi cách hiểu sai về giới, phần lớn xuất phát từ cách đọc sai tính nữ trong thơ bà. Ngay cả khi không đề cao những yếu tố nam tính, bản thân việc đánh đồng tính nữ thành phẩm chất đạo đức cũng đã tạo ra những định kiến giới, mà người chịu thiệt thòi chắc chắn là phụ nữ. Ngỡ là đề cao phụ nữ, thực ra, cách đọc sai tính nữ này hoàn toàn triệt tiêu chất nữ quyền trong thơ Xuân Quỳnh. Hội thảo của Se sẽ chứ 2022 là không gian để mọi người có dịp đọc lại Xuân Quỳnh, và nhắc ta lưu ý rằng, con đường tới ngày “các phát biểu về văn hóa, áp bức, kỳ thị bị xóa bỏ” vẫn còn xa.

Một học sinh trong đội tuyển Văn quốc gia trường chuyên Sư phạm đặt câu hỏi cho các diễn giả về Xuân Quỳnh

Nguyễn Thị Huế

Đóng khuôn Xuân Quỳnh, cách ly người đọc

Đọc lại Xuân Quỳnh, bôi mờ những thuộc tính quần thể và xoá bỏ các quy ước về phẩm chất đạo đức của một người phụ nữ, thì người đọc sẽ thụ hưởng tư tưởng gì trong thơ của bà? Đương nhiên không thể bốc tác giả ra khỏi bối cảnh xã hội, song diễn ngôn truyền thống quá mạnh mẽ sẽ lấn át mọi sự tìm tòi mới về Xuân Quỳnh. Những tác phẩm sống được với thời gian là những tác phẩm chạm tới người đọc ở mọi thế hệ. Lấy ví dụ James Joyce, văn chương của ông không thể nào tách khỏi bối cảnh xã hội Ireland thời ông sống, tuy nhiên đặt vào bối cảnh hiện đại, tư tưởng của ông vẫn phù hợp. Tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh không như thế. Xã hội mới phản biện xã hội cũ, quy ước về phẩm chất đạo đức có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Những phẩm chất của Xuân Quỳnh mà người ta vẫn nhìn nhận mấy chục năm nay như hy sinh, đằm thắm, đôn hậu… bỗng một ngày được thay thế bằng những quy ước khác, đặc biệt cùng với sự phát triển học thuyết nữ quyền, cách đọc cũ đang vô hình chung đẩy Xuân Quỳnh thành tính nữ bá quyền.

Giáo sư Đới Cẩm Hoa cho rằng, một trong những chủ trương nữ quyền trong văn học phải nói đến phụ nữ có sự lựa chọn, có không gian, họ có thể tham gia vào quá trình tạo ra lịch sử. Thời đại hôm nay, việc các tác giả nữ tự do nói rằng tính nữ của họ được quyết định bởi yếu tố sinh lý, ngay cả trong tương quan với một tính nữ khác là điều khá dễ dàng. Xuân Quỳnh là thi nhân của xã hội cũ, nhân diện của bà trong thi ca gắn liền với những quy ước của xã hội cũ. Sự phát triển của lý thuyết tác giả và giải cấu trúc đã cho phép độc giả trở thành đồng tác giả viết lại tác phẩm. Sự viết tác phẩm được tiếp diễn mãi nhờ vào kinh nghiệm của người đọc. Một người đọc Xuân Quỳnh với sự áp đặt của một diễn ngôn lỗi thời, làm sao họ viết lại/viết tiếp tác phẩm? Hết thế hệ này đến thế hệ khác đều đọc Xuân Quỳnh giống nhau, thì bản thân Xuân Quỳnh đã không có sự lựa chọn hay không gian nào cả, tạo ra lịch sử lại càng khó thực thi.

Sự tồn tại bất khả xâm phạm lâu dài của một dạng diễn ngôn một mặt làm suy yếu tính tác giả trong thơ Xuân Quỳnh, mặt khác đã cản trở người đọc tiếp cận với những khả thể khác về thơ bà. Luôn có một định hướng trong cách đọc Xuân Quỳnh. Ta thử đọc hai câu thơ trong bài thơ nổi tiếng của bà là Sóng:

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Giả sử người ta không buộc trọng trách tính nữ và tình ái lên người Xuân Quỳnh, thì hai câu thơ này đặt ở hoàn cảnh đương thời, sẽ có cách hiểu khác hay không. Nếu hai câu thơ ấy là của Lưu Quang Vũ, thì sẽ được hiểu thế nào? Có được xuất bản không?

Trong hội thảo Se sẽ chứ 2022 về Xuân Quỳnh, nhiều tư liệu cho rằng thơ Xuân Quỳnh ở các mảng khác như: đất nước, thời cuộc, phản biện xã hội… còn chiếm số lượng lớn hơn thơ tình của bà. Vẫn chưa kết luận được phát hiện này có làm tính nữ trong thơ bà thuyên giảm hay không. Khi Xuân Quỳnh đặt bút xuống với những thôi thúc tự thân, ấy là lúc bà đang thực hành nữ quyền (feminist practice), bản thân những diễn ngôn của người viết nữ, dù ý thức hay vô thức, đã hàm chứa những yếu tố nữ quyền trong đó. Từ đấy hiểu rằng, kể cả khi thơ Xuân Quỳnh không có những yếu tố tính nữ như diễn ngôn truyền thống, hoặc thậm chí là có thiên hướng tính nam, thì khát vọng nữ quyền vẫn được trình diện.

Chương trình mang tên Se sẽ chứ, nhưng sau hội thảo lần này có thể đúc kết được, thơ thật ra không thể và không nên se sẽ với những cách đọc cứ tưởng là chân lý duy nhất nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.