Thơ Xuân Quỳnh - một cách nhìn khác

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/10/2022 06:46 GMT+7

Nhà thơ Xuân Quỳnh nữ tính đến đâu, nữ tính đó được thể hiện thế nào, là một trong những nội dung được bàn nhiều tại hội thảo Thơ Xuân Quỳnh một cách nhìn khác.

Thơ Xuân Quỳnh một cách nhìn khác là một phần của chuỗi sự kiện Se sẽ chứ do nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức tại Hà Nội ngày 22.10. Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, chia sẻ nhiều kỷ niệm về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Bà cho biết mình là người tự tay cắt kiểu tóc ngắn cho cố nhà thơ cũng như cảm nhận được tình yêu mà nữ sĩ dành cho gia đình. “Khi sang Liên Xô, chị Quỳnh được mời đọc thơ và chị ấy chỉ muốn có 3 cái quạt tai voi. Sau đó 3 chiếc quạt ấy chị Quỳnh mang về cho các con dùng”, bà Thái nhớ lại.

Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh

Anybooks

Bà Thái cũng nhấn mạnh vào những tính cách cùng tồn tại trong con người nữ thi sĩ. Đó là “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ”… Những điều đó, PGS-TS Minh Thái cảm nhận được từ đời sống của Xuân Quỳnh, cũng như đọc được trong những vần thơ của tác giả này.

TS Hồ Khánh Vân, người nhiều năm luyện học sinh giỏi văn của các trường phổ thông năng khiếu TP.HCM, cho rằng từ phương diện người sáng tạo và văn bản thì không thể phủ nhận chuyện Xuân Quỳnh có tính nữ. “Trên văn bản tự bà luôn xác lập danh tính nữ, xưng em, đặc biệt là hai bài thơ tiêu biểu của bà là Thơ vui về phái nữ và Thơ viết cho mình và nhiều người con gái khác. Bà xác lập vai trò giới của mình là vai trò nội trợ, còn nam giới là chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa. Vai trò giới rõ ràng”, bà Vân nói.

Tuy nhiên, bà Vân đặt câu hỏi: “Nhưng bên cạnh đó bà còn gì nữa không?”. Bà Vân cho rằng đang có sự khiên cưỡng khi nhìn tính nữ của bà Quỳnh. “Đi tiếp thì thấy bà không những có những đặc trưng quen thuộc mềm mại của tính nữ mà còn hấp dẫn nhờ sự sắc sảo thông minh trong cách lý giải đời sống hay cấu trúc tác phẩm. Nên thấy trong thơ bà khao khát quan sát hiện thực khách quan, đây là đặc trưng nhận thức nam giới. Bà hay giả định, hỏi cái gì bắt đầu từ đâu. Nên trong thơ bà ngoài chủ thể cảm xúc còn có chủ thể tri giác, trí tuệ, nhận biết”, bà Vân nói.

Theo TS Hồ Khánh Vân, trước Xuân Quỳnh, hình tượng biển như một cổ mẫu. Biển là cổ mẫu, người Việt yêu biển nhưng sợ biển, không dám vượt biển. An Dương Vương đến biển là ngưng, Lạc Long Quân đi tới biển là hết… Nhưng Xuân Quỳnh đã vượt thoát cổ mẫu rất mạnh mẽ, để thấy mình là biển.

TS Khánh Vân còn cho rằng thơ Xuân Quỳnh còn một mảng nữa, thậm chí nhiều hơn cả thơ tình. “Đó là thơ về đất nước, con người. Từ năm tháng chiến tranh bà đã có suy ngẫm thế hệ chúng tôi trong chiến tranh thì làm sao để giao hòa với thế hệ sau chiến tranh… Từ đó tôi cho rằng Quỳnh có bài phi giới tính, ở đó có suy ngẫm thoát vấn đề giới và nhìn từ góc độ con người”, TS Vân nói.

TS Nguyễn Thúy Hạnh, Viện Văn học VN, cho biết Xuân Quỳnh mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Vì thế, ám ảnh người mẹ trong thơ Xuân Quỳnh có nhiều. Trong bài thơ Mẹ của anh, nữ sĩ gửi mẹ chồng có điều thú vị, “… từ góc độ giới có thể đọc văn bản này ở tầng nghĩa sâu xa hơn. Nghĩa là bản thân văn bản đã khẳng định vị trí người phụ nữ trong đời sống, tính liên kết cộng đồng của những người làm mẹ…”, TS Hạnh phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.