Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị đánh giá công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm năm 2016 và triển khai kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, diễn ra ngày 10.2 tại Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết công tác kiểm soát ATTP năm 2016 đã có nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ mẫu thịt có chất cấm salbutamol giảm nhiều so với năm 2015, chỉ có 6 mẫu dương tính/1.345 mẫu xét nghiệm; đặc biệt, 6 tháng cuối năm không phát hiện chất cấm này trong số mẫu thịt được xét nghiệm. Các mẫu thịt tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cũng giảm, chỉ có 11/1.345 mẫu; rau củ quả cũng có tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật thấp nhất với 12/239 mẫu xét nghiệm... Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 91/2.472 mẫu, tăng 2,24% so với năm 2015.
Ăn gì cũng nghi ngại…
Dù ghi nhận ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực kiểm soát ATTP, nhưng ý kiến của nhiều đại biểu cho thấy vẫn còn nhiều mối lo về ATTP.
Ông Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, chia sẻ qua trực tiếp giám sát ATTP trong nông nghiệp ở 13 tỉnh cuối năm 2016 cho thấy thực tế còn rất ngổn ngang; tình trạng sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật thoải mái và tràn lan là một thách thức lớn cho mục tiêu kiểm soát ATTP. “Để kiểm soát tốt ATTP, nông dân phải được tư vấn tập huấn kiến thức, tuân thủ đúng quy trình, quy định sử dụng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật và cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát”, ông Tiến lưu ý.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp - Tổng cục An ninh (Bộ Công an), cũng chia sẻ thực trạng “rất đáng buồn” là người dân giờ ăn uống bất cứ thứ gì cũng nghi ngại, mất niềm tin vào chất lượng. “Trong sản xuất và kinh doanh vẫn có tình trạng “làm tốt ăn cháo, làm láo nháo ăn cơm”, nghĩa là sản xuất, nuôi trồng sạch mà giá bán không hơn, thậm chí không bằng anh làm ăn láo nháo cho ra thị trường nông sản, thực phẩm không đảm bảo ATTP thì không thể khuyến khích nông dân làm ăn tử tế”, thiếu tướng Thế nói.
Cũng theo thiếu tướng Thế, kiểm soát ATTP ở các địa phương quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra các vi phạm nhưng trên thực tế chưa thấy “người đứng đầu” nào bị xử lý, kỷ luật dù địa bàn phát hiện nhiều vụ việc mất ATTP. “Quy định này cần phải siết chặt, để chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra kiểm soát ATTP từ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn dân cư”, thiếu tướng Thế kiến nghị.
Tăng cường thanh, Kiểm tra đột xuất
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT, cho rằng ngoài quản lý đầu vào của vật tư trong sản xuất nông nghiệp thì thực hiện nghiêm công tác thanh kiểm tra sẽ khiến các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP. Thực tế ở nhiều địa phương, thanh tra theo kế hoạch chủ yếu nhắc nhở là chính chứ ít thấy phát hiện các sai phạm. Nhưng sau đó nếu cơ sở, doanh nghiệp này bị phát hiện có vi phạm, cơ quan chức năng trở lại thanh tra thì bị cho là chồng chéo và gây phiền phức cho doanh nghiệp. Ông Việt kiến nghị các địa phương nên tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra đột xuất để phát hiện các vi phạm, xử phạt nghiêm theo các quy định của pháp luật. “Khung phạt vi phạm về ATTP hiện được nâng lên rất cao để có sức răn đe, doanh nghiệp không dám làm bậy”, ông Việt nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý năm 2016 dù đã có chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý vật tư, kiểm soát ATTP trong nông nghiệp nhưng ngành vẫn chọn năm 2017 là năm cao điểm để dốc toàn lực kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nông nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực chủ chốt: chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kháng sinh và nguyên liệu sản xuất kháng sinh; thuốc bảo vệ thực vật và thị trường phân bón hữu cơ. Đặc biệt trong năm nay, Bộ sẽ có chương trình thanh tra ngay trong các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, cán bộ, viên chức thực thi công vụ. Bởi nếu lực lượng này làm tốt, gương mẫu thì không có lý gì thực tế lại không có chuyển biến. “Mục tiêu cuối cùng của kiểm soát ATTP trong nông nghiệp không chỉ là cung cấp nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người dân mà quan trọng hơn là thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp”, ông Cường nói.
Khuyến khích liên kết nông dân với doanh nghiệp
Ở góc nhìn thực tế từ địa phương, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cũng kiến nghị cần phải xóa bỏ tình trạng “người sản xuất, làm ra sản phẩm không dám ăn thì làm sao bán được cho ai”. “Khi thủy sản trong nước còn tồn dư kháng sinh, hóa chất; rau củ còn thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng trong nước không dám ăn thì làm sao hướng đến xuất khẩu”, ông Công khuyến cáo và cho rằng kiểm soát ATTP hiện nay cần khuyến khích các mô hình liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Thực tế ở Đồng Tháp, các nhà vườn trồng cây ăn quả sản xuất theo đặt hàng cung ứng cho các doanh nghiệp. Từ khâu sản xuất đến thu hoạch, doanh nghiệp đều giám sát ATTP, nếu tồn dư vượt ngưỡng thì không mua. “Doanh nghiệp thu mua giá cao, ổn định nhưng chính người nông dân cũng lo lắng và bị ràng buộc về trách nhiệm, phải sản xuất theo quy trình sạch sẽ, đảm bảo ATTP nếu muốn bán được hàng cho doanh nghiệp”, ông Công nói.
|
Bình luận (0)