Bộ sưu tập “độc nhất miền Tây” này đang được trưng bày tại Khu sinh thái Quê Mình (P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) do anh Tuấn làm chủ đầu tư.
|
Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc máy Cu Le 4 (Kohler-4) được trưng bày thành một hàng dài trong gian nhà lá, nền đất đậm chất Nam bộ xưa. Hầu hết máy đã rỉ sét theo thời gian, nhưng vẫn giữ được nguyên trạng, trong đó một số máy còn hoạt động tốt.
|
Anh Tuấn chia sẻ: “Với người miền Tây, hình ảnh chiếc máy Cu Le 4 hằn sâu trong ký ức. Tôi cũng không ngoại lệ nên đã cất công sưu tầm suốt hơn 2 năm để lưu giữ những chiếc máy xưa này”.
|
Theo anh Tuấn, trước đây chiếc máy máy nổ Cu Le 4 được dùng bơm nước, chạy xuồng, chạy ghe để chở lúa, mua hàng, đi chợ… nên bà con đều coi như “báu vật” trong nhà. “Khi lắp chân vịt vào, máy Cu Le 4 tống nước ra sau, đẩy ghe - xuồng chạy tới như cái đuôi tôm búng ngược. Vì vậy bà con hay gọi là máy đuôi tôm. Máy này vang bóng một thời”, anh Tuấn nói.
|
Anh Đặng Thanh An, Giám đốc điều hành khu sinh thái Quê Mình, cho biết những chiếc máy Cu Le 4 xuất hiện từ năm cuối thập niên 60 thế kỷ trước. Máy được nhập từ nước ngoài vào và nhanh chóng trở thành phương tiện gắn bó với bà con vùng sông nước miền Tây.
Để có được bộ sưu tập gần 100 chiếc máy này là điều không dễ dàng. Anh Tuấn phải liên hệ với nhiều bạn bè nhờ tìm kiếm khắp vùng nông thôn. Rồi phải ra sức thuyết phục mua lại để lưu trữ, trưng bày thì người dân mới thuận lòng bán.
“Hiện máy nào còn sử dụng được thì chúng tôi lắp vào những chiếc thuyền để trưng bày trên mặt hồ trong khuôn viên khu sinh thái. Số khác thì bảo quản kỹ lưỡng hơn, còn lại một số đầu máy không hoạt động được thì trưng bày phía ngoài để khách chiêm ngưỡng những vật dụng chứa đựng ký ức tuổi thơ”, anh An cho biết.
|
Để những chiếc máy trong bộ sưu tập “độc nhất miền Tây” không bị hỏng, ngoài việc thường xuyên bảo dưỡng, anh Tuấn còn phải cất giữ tại nơi ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Bình luận (0)