Ngay trong lời nói đầu Như ta là, quyển sách đã nêu rõ: "Các cuộc nói chuyện này cốt yếu chỉ ra sự thấu hiểu ta là như thế nào, như chính ta là, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống thường ngày - không phải ta nên là thế nào, như được định nghĩa bởi các giá trị văn hóa, những lý tưởng tôn giáo và những tương lai tự phóng chiếu ra. Những khám phá như thế này đòi hỏi chính ta phải thấu hiểu chứ không phải chấp nhận những lời được ghi ở đây là đúng".
Krishnamurti khuyên rằng: "Hãy quan sát trí não của chính bạn, hãy nhìn thấy những tầng sâu mà trí não có thể vươn tới. Do đó, bạn mới quan trọng, chứ không phải giáo lý. Điều quan trọng đối với bạn là khám phá đường đi nước bước trong tư duy của chính bạn và tư duy đó hàm ý gì…".
Ông đưa ra một dẫn chứng: "Nếu tôi thật sự muốn thấu hiểu phiền não và chấm dứt phiền não, tôi phải khám phá không chỉ những điều hàm chứa trong sự tiến bộ, mà còn phải hiểu thực thể muốn cải thiện chính mình đó là gì, và tôi cũng phải biết động cơ nào khiến thực thể đó tìm cách cải thiện. Toàn bộ những điều ấy là ý thức… Nếu tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong chính tôi, chắc chắn tôi phải thấu hiểu toàn bộ sự tiến bộ của ý thức".
Như ta là chuyển tải nội dung 8 cuộc nói chuyện ngẫu hứng của J. Krishnamurti trong một rừng sồi nhỏ ở California (Mỹ), từ năm 1955. Nhưng đến nay, những vấn đề Krishnamurti nêu từ thời điểm đó vẫn còn nhiều giá trị mới mẻ, đáng suy ngẫm.
Theo Krishnamurti, khắp nơi trên thế giới và trong bản thân mỗi người có quá nhiều vấn đề quan trọng phải giải quyết. Có nơi chìm đắm trong nghèo khó, có nơi sống đau khổ, bất công, hay có cảm giác sống mà không có tình yêu… Con người bị điều khiển, bị chìm đắm trong tham lam, dục vọng, chia rẽ, thù địch, thất bại...
Krishnamurti cho rằng nhiều vấn đề của ta không thể giải quyết được, trừ khi có một cuộc cách mạng nền tảng của trí não, bởi vì chỉ có một cuộc cách mạng như thế mới có thể đem lại nhận thức đâu là sự thật.
Theo tác giả, chừng nào công cụ tư duy của ta còn chưa sáng tỏ, còn lầm lạc, còn bị qui định, thì bất cứ suy nghĩ nào của ta cũng bị hạn chế, nhỏ hẹp. Vì thế, để giải quyết những cốt lõi nêu trên, vấn đề của ta là làm sao giải thoát trí não khỏi mọi sự qui định.
Với Krishnamurti, "Điều quan trọng là nhận thức được sự qui định của chính ta. Và việc biết được rằng ta bị qui định là một việc khó khăn lạ thường". Theo ông, quan trọng là hiểu chính mình. Tự biết mình là khởi đầu của trí tuệ. Tự biết mình là không rập khuôn theo bất kỳ sách vở, triết gia, nhà tâm lý nào. Biết mình là quan sát những gì ta nghĩ, ta cảm nhận, không chỉ trên bề mặt, mà còn nhận thức sâu sắc nhưng không hề lên gân, phán xét hay so sánh".
Từ đó, tác giả đúc kết: "Thiền là một trong những nghệ thuật vĩ đại trong cuộc sống, có lẽ là vĩ đại nhất và ta không thể học được thiền từ bất cứ ai. Thiền để hiểu chính mình, hiểu các thực tế luôn luôn đổi thay, đang nối tiếp diễn ra trong bạn, chứ không phải thiền để thấy Thượng đế, một cảnh giới hay cảm giác vui sướng nào. Tình yêu nở hoa, đó là thiền".
Bình luận (0)