Độc quyền bãi biển

07/05/2015 06:20 GMT+7

Việc khu nghỉ mát Ana Mandara nằm trên đường Trần Phú, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) không cho du khách và người dân địa phương qua lại bãi biển trước mặt khách sạn, trong mấy ngày qua, là chuyện đã cũ. Cách đây hơn một năm, du khách đến Nha Trang nhưng không đủ điều kiện lưu lại khu nghỉ dưỡng 5 sao này cũng bị cấm cản như thế.

Việc khu nghỉ mát Ana Mandara nằm trên đường Trần Phú, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) không cho du khách và người dân địa phương qua lại bãi biển trước mặt khách sạn, trong mấy ngày qua, là chuyện đã cũ. Cách đây hơn một năm, du khách đến Nha Trang nhưng không đủ điều kiện lưu lại khu nghỉ dưỡng 5 sao này cũng bị cấm cản như thế.

Trước tình trạng “độc quyền bãi biển” này, chính quyền địa phương đã có những nhắc nhở cần thiết nên việc giăng dây rào cọc sau đó đã được gỡ bỏ. Nhưng rồi, chuyện cũ lại... tái phát. Lấy lý do là khu nghỉ dưỡng đã thuê bãi biển rồi (?) nên tất cả du khách và người dân không được phép “lởn vởn” khu vực trước mặt khách sạn. Vậy là, du khách đến Nha Trang, nếu có nhu cầu đi dọc bãi biển cạnh đường Trần Phú, con đường đẹp nhất thành phố, buộc phải “rút ngắn” không gian trên 200 m khi ngang qua khu nghỉ dưỡng, hoặc phải đi đường vòng.
Cũng xin được lưu ý rằng khu nghỉ dưỡng Ana Mandara là cụm biệt thự duy nhất được phép xây dựng ngay sát mép biển, che chắn hoàn toàn tầm nhìn của du khách nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh Nha Trang nhìn từ đường Trần Phú.
Lý giải cho việc “độc quyền” này, một vị lãnh đạo của khu nghỉ dưỡng nói rằng tình trạng du khách và người dân đi lại rất lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, xả rác bừa bãi, làm ô nhiễm khu vực bãi biển, ảnh hưởng đến khách nghỉ dưỡng tại đây. Không phải là không có lý với cách biện minh đó. Thực tế, tình trạng mất an ninh trật tự vẫn thường xảy ra dọc bãi biển Nha Trang. Việc giựt dọc, chèo kéo, đâm chém và cả chích choác của dân nghiện dọc bãi biển vẫn chưa được cơ quan chức năng của địa phương này loại bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, du khách và người dân chỉ đơn thuần là đi dạo biển, ngắm cảnh đẹp chứ không xả rác và gây mất trật tự an ninh, cũng không thể chấp nhận sự cấm cản vô lý của ban quản lý khu nghỉ dưỡng. Bờ biển là tài sản chung mà mọi người cùng được hưởng, không một cớ lý nào để doanh nghiệp đứng ra cấm cản quyền được hưởng ấy. Nếu mỗi khách sạn dọc đường Trần Phú, TP.Nha Trang, hoặc nói rộng ra là trên cả nước, đều “mua trọn gói” như cách lý giải của ban quản lý Ana Mandara thì người dân muốn tắm biển cũng phải... mua chỗ tắm sao?
Vậy thì, giải pháp nào để có thể hài hòa được việc cả người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi chung mà thiên nhiên ban tặng? Một gợi ý từ Đà Nẵng khi dọc bờ biển từ thành phố này đến Hội An có khoảng 20 khu resort cao cấp nhưng không có một “lệnh cấm” nào như Ana Mandara. Đó là vì chính quyền địa phương đã rất quyết liệt với tình trạng xô bồ từ du khách, các “đội môi trường sông biển” đã làm hết phận sự của mình để giữ gìn bãi biển luôn luôn sạch. Cuối cùng là ý thức của người dân địa phương biết giữ gìn một môi trường sạch để mời gọi du khách. Đó mới là giải pháp mang tính bền vững chứ không phải “độc quyền” rồi cấm cản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.