Nếu nói tăng giá để có vốn đầu tư thì thực sự không ổn.
Bởi theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả. Vì thua lỗ, nhiều năm qua ngành này liên tục tăng giá bán điện. Giờ lại tăng giá để đầu tư thì vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp tục: tăng giá để đầu tư. Đầu tư chưa hiệu quả thì lại tăng giá. Rồi lại tăng giá để bù lỗ đầu tư. Vậy người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ "gánh" thay cho chuyện này đến bao giờ?
Nỗi bức xúc càng tăng hơn khi lộ ra những hạch toán sắm xe sang, xây biệt thự, xây sân tenis... vào giá điện; chuyện tăng lương - trích thưởng ngay khi kinh doanh thua lỗ mà Thanh tra Chính phủ "khui" ra cách đây hơn 1 tháng vẫn chưa được làm rõ và xử lý.
Chúng ta đều biết, tăng giá điện là tăng chi phí đầu vào. Kinh tế năm 2015 sẽ đối mặt với các kịch bản sau. Kịch bản lạc quan nhất là kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sau 6 - 7 năm chống chọi với khủng hoảng, những doanh nghiệp còn trụ được đến thời điểm này sức khỏe chắc chắn vẫn còn yếu. Nếu giá điện tăng tới 22% (chưa kể nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng có thể tăng), chi phí đầu vào sẽ đội lên rất cao. Như vậy, chẳng khác gì làm cho họ thêm mệt mỏi.
Còn trong trường hợp kinh tế vẫn trì trệ, tăng giá điện với tỷ lệ như nói trên chính là đẩy họ đến chỗ suy kiệt. Điện tăng, giá hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng theo trong khi khả năng tăng lương là rất khó vì ngân sách năm những năm tới dự báo vẫn chưa phải đã cân đối được. Giá tăng, lương không tăng, cuộc sống của người dân sẽ còn khó khăn đến chừng nào? Đó là chưa kể, việc tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát. Lộ trình tăng giá điện có tính tới việc này?
Nỗi bức xúc vẫn tồn tại khi mà lý do lớn nhất là, doanh nghiệp - người dân vẫn phải mua điện của một đơn vị độc quyền là EVN.
Nguyên Khanh
>> Tăng giá điện có minh bạch?
>> Giá điện gánh cả chi phí xây biệt thự, bể bơi
>> Giá điện tăng thêm 5%
>> Giá điện lại sắp tăng
Bình luận (0)