Trong khi hàng ngàn công nhân đang làm việc không kể ngày đêm giải cứu các khai trường, hầm mỏ thì dự báo Quảng Ninh tiếp tục đón mưa lớn trong những ngày tới.
Công nhân vận chuyển đường ống bơm nước, cây gỗ để giải cứu và gia cố hầm lò - Ảnh: P.Hậu
|
Gần một tuần sau trận mưa lớn, khung cảnh tan hoang vẫn bao trùm lên toàn bộ khai trường khai thác than của Công ty CP than Cọc Sáu (P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Moong than chìm trong biển nước
Anh Nguyễn Khoa Bằng, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CP than Cọc Sáu, nói với giọng buồn bã: “Ngày 1.8 hằng năm luôn là ngày vui trọng đại của toàn thể công ty. Theo kế hoạch năm nay, công nhân được phát tiền và dự liên hoan mừng sinh nhật 55 năm ngày thành lập công ty. Trận mưa lớn đã phá hỏng tất cả khiến không còn ai tâm trí nhắc đến bữa tiệc vui vẻ ấy nữa, thay vào đó là sự lo lắng hoang mang. Bởi khi khai trường chưa thể hoạt động đồng nghĩa công nhân không có việc làm, thu nhập”.
Xe chở chúng tôi dừng lại ở mạn phía bắc của moong than, nhìn xuống toàn cảnh khai trường chìm trong biển nước. Phía xung quanh, gần như toàn bộ hệ thống đường sá bị mưa lũ phá hủy. Đoạn bị cuốn trôi, đoạn bị xói lở, đứt gãy. Còn ở những đoạn kiên cố thì bùn đất chảy thành dòng bít lối đi khiến xe không thể vượt qua. Nhiều máy móc bị bùn đất đẩy trôi, nằm chênh vênh bên mép đường chỉ chực chờ rơi xuống biển nước dưới moong than.
Anh Nguyễn Văn Linh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật khai thác, cho biết mưa lũ khiến toàn bộ hệ thống phà bơm thoát nước, bơm chuyển tiếp bị hỏng hóc, không thể vận hành. Trong khi đó, đường xuống khu vực đặt phà bơm, bùn đất lấp đầy. Chưa thể khôi phục sản xuất, toàn bộ máy móc thiết bị được trưng dụng làm việc hết công suất để san gạt mở đường, mục tiêu đầu tiên là sửa chữa khôi phục hệ thống phà bơm. “Đáng lo nhất là moong than ở khai trường bị ngập sâu trong nước, hiện mực nước đang ở mức -130 m, theo ước tính tương đương 4,5 triệu m3 nước và phải mất hàng tháng bơm liên tục mới tiêu thoát hết số nước này, đưa các hoạt động khai thác trở lại bình thường”, anh Linh nói.
Xe goòng chứa bao tải cát liên tục được chuyển xuống đường hầm để đắp đập ngăn nước
|
Phải mất hàng tháng mới khôi phục được hầm lò
Theo báo cáo thiệt hại của Công ty CP than Mông Dương, mưa lũ khiến hàng chục tấn máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ khai thác than vẫn chìm nghỉm trong các đường hầm và trên 3.000 m đường lò cần phải xử lý khắc phục... Ước tính thiệt hại sơ bộ đã lên tới 670 tỉ đồng.
Trực tiếp chỉ huy công nhân làm việc khắc phục hậu quả mưa lũ, anh Vũ Văn Nam, Phó quản đốc Công trường khai thác 8, Công ty CP than Mông Dương, cho hay dù đã kiểm soát được tình hình phía dưới các hầm lò nhưng cũng không thể chủ quan, vì nước trên bề mặt vẫn chảy xuống đường hầm trong khi dự báo vẫn còn mưa lớn trong những ngày tới.
Dốc sức giải cứu các hầm lò, anh em công nhân chia ca làm việc liên tục, không kể ngày đêm với quyết tâm khắc phục thiệt hại với tiến độ nhanh nhất. Nhưng trên thực tế, lượng nước trong hầm lò ngập sâu từ vị trí -250 m đến vị trí -155 m tương đương với độ sâu khoảng 100 m nước. “Dù công nhân đã làm việc cật lực không kể ngày đêm nhưng cũng phải mất hàng tháng để sửa chữa, khôi phục lại hoạt động”, anh Linh nói.
Các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã cảnh báo, từ ngày 1 - 3.8, các tỉnh Bắc bộ sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Dự báo tổng lượng mưa trong cả đợt ở khu vực đông bắc và đồng bằng Bắc bộ là 50 - 150 mm, riêng vùng ven biển Quảng Ninh đến Nam Định 100 - 200 mm; khu vực Việt Bắc 100 - 300 mm; khu vực tây bắc 200 - 300 mm, có nơi trên 400 mm. Cùng với mưa lớn là nguy cơ lũ quét được báo động ở nhiều địa bàn miền núi thuộc Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái...
Thông tin từ Vụ Quản lý công trình thủy lợi thuộc Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cho biết, hầu hết các hồ chứa nhỏ khu vực miền núi phía bắc đã đạt 50 - 75% dung tích thiết kế, các hồ chứa nhỏ ở Quảng Ninh đã đầy nước và đang tràn tự do.
Đ.H - P.H
|
Nước tràn vào đường thoát hiểm
Rạng sáng 27.7 ở mức -250 m, nước chảy dồn nhanh xuống các đường lò và chảy thẳng vào hầm bơm. Dù các máy bơm đã hoạt động hết công suất với 4.250 m3/giây nhưng cũng không kịp giải tỏa. Khi đó, dòng nước chảy thẳng vào hầm bơm ở mức -250TT, đây là đường hầm thoát hiểm cuối cùng của công nhân. Lãnh đạo công ty phát lệnh sơ tán toàn bộ các công nhân để đảm bảo an toàn. Còn ở mức -97,5 m lúc 19 giờ 30 ngày 28.7, nước dâng với tốc độ 20 cm trong vòng 4 phút cùng lúc đó đã xảy ra sự cố vỡ van sàn, rò điện ở hệ thống bơm đe dọa trực tiếp đến tính mạng của 13 công nhân và an toàn của trạm điện - 97,5TT, nhưng may mắn toàn bộ nhóm công nhân này được thoát lên mặt đất an toàn.
|
Bình luận (0)