70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa - Kỳ 4: Bám giữ trận địa

08/04/2024 07:38 GMT+7

Sau khi trao đổi, chúng tôi thấy tình hình rất khó khăn, với lực lượng tại chỗ không thể giữ nổi, cần trình bày cụ thể với trung đoàn để xin ý kiến trên xem sao.

Máy thông tin không có, chiến sĩ liên lạc về báo cáo không thể nói hết mọi sự việc. Chúng tôi nhất trí để anh Hùng Tân sẽ chỉ huy lực lượng bám giữ trận địa, tôi xuống chỗ máy điện thoại báo cáo về trung đoàn. Dũng Chi ra để tập hợp lại đơn vị chờ lệnh trên. Khi tôi và anh Dũng Chi ra khỏi hầm thì trời đã sáng rõ. Xuống đến hào giao thông gặp anh Lê Sơn và anh Tọa, chính trị viên đại đội 317. Nghe anh Sơn nói tôi biết đại đội 317 bị thương vong nặng, số còn lại bị bật ra hướng Tiểu đoàn 251. Tôi buồn vì tiểu đoàn bị tổn thất nặng quá.

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa - Kỳ 4: Bám giữ trận địa- Ảnh 1.

Đại tá Vũ Đình Hòe thăm lại Sở Chỉ huy Mường Phăng (2004)

Tư liệu gia đình

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Tôi lần đến chỗ máy điện thoại, được biết anh Bằng Khê và anh Bích sau đó cũng băng qua đột phá khẩu vào đồn nhưng không có phương tiện thông tin, không nắm được đơn vị nào. Cán bộ tác huấn, liên lạc viên theo sau bị thương hết. Bản thân hai anh cũng bị pháo bắn không trụ nổi phải bật ra. Tôi gọi điện báo với anh Hữu An mọi diễn biến trong đêm. Với giọng lo lắng, anh Hữu An nhắc tôi động viên anh em cố giữ lấy đầu cầu để xin tiếp viện. Tôi trình bày rõ ràng, hiện chỉ còn một bộ phận nhỏ của Tiểu đoàn 255, khó đánh lại phản kích của quân địch.

Từ 6 giờ sáng, địch lại bắn như mưa vào nơi anh em đại đội 924, Tiểu đoàn 255 đang bám giữ. Khoảng 7 giờ sáng 31.3, xe tăng và bộ binh địch chiếm lại đỉnh đồi. Khoảng 8 giờ, bộ phận cuối cùng của Tiểu đoàn 255 và một số anh em thuộc đại đội 315, Tiểu đoàn 249 bị bật ra, anh Hùng Tân bị thương nặng.

Xế trưa, anh Hữu An gặp tôi ở chân đồi A1, một phần lo lắng vì không hoàn thành nhiệm vụ, một phần bực mình vì chúng tôi đánh kém, nên anh chỉ nói ngắn: "Tập hợp số anh em còn lại để tối nay phối hợp cùng đơn vị bạn của đại đoàn 308 tiếp tục chiến đấu".

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa - Kỳ 4: Bám giữ trận địa- Ảnh 2.

Đại tá Vũ Đình Hòe (ngoài cùng bên phải) viếng nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 (2014)

Tư liệu gia đình

Tôi báo cáo các đại đội, trung đội bị thương vong cả rồi, số chiến sĩ chỉ còn chưa đầy 30 người có thể chiến đấu được. Anh thở dài nhìn bàn chân tôi rồi nói: "Cậu đau chân rồi, phải nghỉ thôi. Để tớ bảo Lê Sơn làm việc này". Nói rồi anh hối hả đi gặp Lê Sơn.

Tôi được quân y dìu về hậu cứ băng bó lại hai bàn chân. Chiều tối hôm đó, nằm ở hậu cứ, tôi vừa đau vừa buồn không hiểu anh em mình chiến đấu ra sao. Đang suy nghĩ mông lung thì có một đồng chí thương binh nhẹ kể chuyện rằng lúc chiều anh đi quan sát vị trí địch có một cán bộ của đơn vị bạn đã nói: "Cái đồn này chỉ cần hỉ mũi một cái là xong, thế mà không đánh được". Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không hoàn thành nhiệm vụ, lại bị đơn vị bạn coi thường, buồn nhưng cũng giật mình nghĩ: "Anh em ta chủ quan, cho rằng việc tiêu diệt A1 là không có gì khó khăn. E rằng đơn vị bạn cũng đi theo vết ấy thì sẽ lại vấp nặng đấy!". Và đúng như vậy, đơn vị bạn tiêu hao một bộ phận và cũng không diệt được địch.

Các trận chiến đấu kéo dài đến 4.4 thì dừng, địch tiếp tục chiếm đóng và củng cố công sự tại đây. Mấy ngày sau nữa, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An, Chính ủy Trung đoàn Trần Huy và các tiểu đoàn trưởng lên Mường Phăng dự hội nghị sơ kết đợt hoạt động.

Không khí cuộc họp thật nặng nề, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phê phán các khuyết điểm của các đơn vị bằng thái độ rất nghiêm khắc, đã phê bình đồng chí Nguyễn Hữu An và đồng chí Trần Huy, một trung đoàn phó bị cách chức, một cán bộ tiểu đoàn thuộc trung đoàn 102 bị kỷ luật nặng vì dao động trong chiến đấu. Như vậy có 4 người bị tuyên bố kỷ luật đều do không hoàn thành nhiệm vụ tại A1.

Tôi nín thở, lạnh người chờ nghe tuyên bố kỷ luật với mình, nhưng không có chuyện gì xảy ra nữa. Tuy vô sự nhưng tôi cảm thấy hơi bất mãn cho cái án kỷ luật này. Dọc đường về, tôi hỏi Dũng Chi: "Cậu nghĩ thế nào về vấn đề thi hành kỷ luật này?". Dũng Chi nói: "Úi trời! Còn gì nữa! Sợ bỏ mẹ ấy chứ! Hôm nọ tao nghe lỏm mấy ông ấy bàn thi hành kỷ luật cả lũ, trong đó có mày, người bảo phải cảnh cáo, người nói phải cách chức, nhưng không hiểu sao hôm nay cụ Giáp lại tha cho mày!". Tôi nói: "Tại sao người ta lại khép tội tớ, còn cậu thì bỏ qua?". Dũng Chi cười khà khà nói đùa: "Tại cậu là tiểu đoàn trưởng chủ công nên tội lớn hơn cả".

Tôi cũng bật cười vì tính vô tư và câu nói đùa đó, nhưng vẫn cảm thấy ấm ức trong lòng và tự hỏi, ai chịu trách nhiệm về việc Trung đoàn 174 tham gia chiến đấu chậm tới hơn 30 phút, lỡ mất thời cơ đột phá của đơn vị. (còn tiếp) 

Nhìn về chiến thắng Điện Biên Phủ từ những hiện vật tại bảo tàng

Thương vong quá lớn của cả hai trung đoàn đánh công kiên giỏi nhất là 174 và 102 (thuộc đại đoàn 308 Quân Tiên Phong) đã khiến Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định ngưng cuộc tấn công, rút quân ra củng cố, chỉ để lại một lực lượng phòng ngự.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.