Tham dự chương trình có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN; ông Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Đặc biệt, tại chương trình có sự tham dự của hơn 160 chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, lập nên những kỳ tích mới
Buổi lễ tri ân đã diễn ra đầy xúc động, khi những chiến sĩ, TNXP, DCHT Điện Biên năm xưa nay tuổi đời đã trên dưới 90, cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến tranh ác liệt và đầy quả cảm đó.
Ông Nguyễn Bá Viết (89 tuổi, ngụ P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) kể: "Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (H.Đông Sơn, Thanh Hóa; nay là P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Chúng tôi bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì. Từ Thanh Hóa, chúng tôi hành quân qua đường rừng núi sang Hòa Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó, băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ".
Cựu chiến binh Nguyễn Bá Viết vẫn còn nhớ như in về 70 năm trước, khi ông và đồng đội hành quân trên những con đường khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, khi thì qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân.
"Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa chỉ có chút rau rừng làm canh. Sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, chúng ta đã làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, khí tài; riêng số bắt sống là 11.000 tên. Chúng tôi tin tưởng và mong rằng thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN XHCN", ông Viết nói.
Khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP
Phát biểu tại lễ tri ân, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, khẳng định việc tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, TNXP, DCHT trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ông Chiến nhấn mạnh: "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở VN; mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân VN; đồng thời chấm dứt đô hộ của thực dân Pháp ở 3 nước Đông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới".
Ông Chiến khẳng định Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. "Sau 70 năm ngày chiến thắng, còn nhiều người chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Xin khắc cốt, ghi tâm công lao của các đồng chí thương binh, bệnh binh, TNXP, DCHT đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xông pha vào nơi khói lửa, trận tuyến... Các thế hệ người VN chúng ta không một phút giây nào được quên điều đó", ông Chiến phát biểu tại buổi lễ.
Trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ VN, lãnh đạo các đơn vị và tỉnh Thanh Hóa đã trao quà cho hơn 160 chiến sĩ, TNXP, DCHT trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại diện các địa phương có nhiều đóng góp cả sức người và sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Trong 3 đợt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200.000 DCHT; hơn 3.500 xe đạp thồ; 1.126 thuyền ván các loại; 31 ô tô; 180 xe bò; 42 ngựa thồ; 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác. Tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp hơn 4.500 tấn gạo; 350 tấn thực phẩm; 2.000 con lợn; 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại…
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa, T.Ư Đảng, Chính phủ đã tặng cờ thi đua khá nhất; nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Em Lê Nguyễn Mai Phương, đoàn viên Đoàn Trường THPT chuyên Lam Sơn, đại diện cho thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hóa xúc động phát biểu tại buổi lễ: "Chúng cháu hiểu rằng biết bao thế hệ trẻ VN hôm qua đã bình thản trước cái chết, sẵn sàng dâng hiến thanh xuân của mình cho mùa xuân hòa bình tươi sáng của dân tộc bởi vì những con người VN ưu tú ấy đã đặt niềm tin vào những người đang sống, những người sẽ sống sẽ thay họ bước tiếp con đường bảo vệ và xây dựng đất nước, để biết bao máu xương đã đổ xuống không trở nên vô nghĩa. Vậy nên, tuổi trẻ không thể là cái cớ để những người trẻ chúng cháu cho phép mình thờ ơ với bản thân cũng như với quê hương, đất nước. Tiếp lửa của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa bằng lòng biết ơn sâu sắc, chúng cháu hôm nay sẽ không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao giá trị của bản thân, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, xây dựng lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, phấn đấu trở thành những người công dân mẫu mực, có ích".
Nhìn về chiến thắng Điện Biên Phủ từ những hiện vật tại bảo tàng
Bình luận (0)