Chưa thể đồng loạt lập đội bắt chó thả rông
Tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31.5.2016 của Bộ NN và PTNT quy định về phòng chống dịch động vật trên cạn, từ cuối năm 2017 đến nay, việc thành lập tổ bắt chó thả rông và công tác bắt chó thả rông do UBND cấp xã triển khai thực hiện, dựa trên kế hoạch của UBND quận, huyện ban hành. Đến nay TP.HCM có 59 xã, phường đã thành lập tổ bắt chó thả rông.
Ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM chia sẻ: "Một số tổ bắt chó thả rông hoạt động tương đối hiệu quả đã góp phần hạn chế tình trạng chó thả rông trên địa bàn TP.HCM".
Tại P.Hiệp Bình Chánh, địa phương đầu tiên ở TP.HCM thành lập đội bắt chó thả rông, từ tháng 11.2022. Ra quân đều đặn hàng tuần, ngoài việc bắt được nhiều chó thả rông thì còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Tuy vậy, đội vẫn gặp vô vàn khó khăn.
Đây là công việc đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ là tinh thần tự nguyện mà còn phải gan dạ, sẵn sàng đối mặt với chó dữ, thậm chí chó dại... Thành viên đội không chỉ bị người dân phản ứng gay gắt, cự cãi mà còn bị đánh lén, thưa kiện vì "chiếm đoạt chó của họ". Có thành viên bị chó cắn nhiều lần, đã tiêm hơn 10 mũi vắc - xin phòng bệnh dại.
"Nhiều anh em muốn gắn bó nhưng có thể sau một lần bị cắn thì e ngại, không dám đi tiếp. Cũng có nhiều người vì bận công việc gia đình không thể sắp xếp thời gian", anh Mai Hoàng Tiến - quản lý đội bắt chó thả rông P.Hiệp Bình Chánh chia sẻ.
Cận cảnh màn cự cãi quyết giữ chó của chủ nuôi khi gặp đội bắt chó
Ghi nhận tại H.Nhà Bè, địa phương chưa có đội bắt chó thả rông. Vào buổi chiều, dọc trên các tuyến đường xuất hiện nhiều chó thả rông, không rọ mõm. Tại một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, dù có bảng cấm nhưng tình trạng cư dân thả rông chó, hay dẫn chó xuống phóng uế bừa bãi vẫn xảy ra.
Chị Hoàng Thị Mai (32 tuổi) - một người dân sống trong chung cư chia sẻ: "Công viên là nơi mỗi chiều trẻ con, người già xuống dạo mát, việc để chó phóng uế là rất mất vệ sinh, ảnh hưởng cư dân. Tôi nghĩ nếu địa phương thành lập đội bắt chó, cần chú ý hơn trong việc kết hợp với ban quản lý chung cư vào bắt chó thả rông trong công viên chung cư".
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, ông Võ Phan Lê Nguyễn – Phó chủ tịch H.Nhà Bè chia sẻ, địa phương đã tiếp nhận chỉ đạo trong các vấn đề liên quan đến xử lý chó thả rông, phòng ngừa bệnh dại… Hiện tại, lãnh đạo huyện đang rà soát lại cơ sở pháp lý, tham khảo cách hoạt động ở các quận, huyện khác sau đó mới lên kế hoạch thành lập đội bắt chó thả rông.
"Chúng tôi đang làm từng bước thận trọng, hi vọng sẽ thành lập được đội bắt chó hoạt động một cách hiệu quả nhất trong tương lai", ông Lê Nguyễn cho hay.
Trong dự thảo Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó mèo trên địa bàn TP.HCM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu đề xuất quy định: Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thải ra.
"Khuôn viên chung cư cũng là nơi công cộng, nhưng có ban quản lý. Vì thế, khi phát hiện có tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi, cư dân cần phản ánh đến ban quản lý. Đội bắt chó ở địa phương muốn vào khuôn viên chung cư bắt chó thả rông cần phối hợp với ban quản lý để thực hiện hiệu quả hơn", ông Nguyễn Hữu Thiết chia sẻ.
Những khó khăn chung
Ông Hoàng Thanh Bình - cán bộ kinh tế thuộc UBND P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức cho biết: "Thực thế, các cơ sở pháp lý để thành lập đội bắt chó thả rông đã có, chỉ cần địa phương quyết triển khai và kiện toàn. Điểm cốt lõi để thành lập đội là nhân sự, địa điểm và nhân lực chăm sóc chó đang tạm giữ trong 48 giờ để chờ chủ nuôi đến nhận lại, đóng phạt", ông Bình nói.
Đại diện Chi cục cũng cho biết thêm, việc bắt chó thả rông trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, một số hộ coi chó như người bạn, thậm chí là thành viên trong nhà nên khi chó thả rông bị bắt, phản ứng của các hộ này khá hung dữ. Chưa kể, nhiều người chống đối, ngăn cản không cho đội bắt chó thả rông làm nhiệm vụ. Vì vậy, khi đội làm công tác ở địa bàn nào thì phải liên hệ với chính quyền địa phương để nhờ lực lượng công an hỗ trợ.
Hiện nay, một số địa phương vận dụng được nguồn ngân sách dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hằng năm để thành lập và duy trì hoạt động của đội bắt chó thả rông.
Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về mức chi và nội dung chi liên quan đến hoạt động bắt và xử lý chó thả rông. Vì thế, đây có thể là khó khăn chung, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động bắt chó thả rông tại các địa phương.
Công tác bắt chó thả rông được ngành thú y triển khai thực hiện trên địa bàn TP.HCM từ những năm của thập niên 70. Mục đích là phục vụ cho công tác phòng, chống và kiểm soát bệnh dại trên chó, mèo một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát bệnh dại trên người.
Từ năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM chỉ thực hiện tập huấn công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của UBND cấp xã. Hỗ trợ phương tiện, dụng cụ cho các đơn vị thực hiện công tác bắt chó thả rông như xe chuyên dụng, cây bắt chó...
Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã tập huấn cho nhân sự của 13 đơn vị quận, huyện. "Trong thời gian tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tiếp tục hỗ trợ công tác tập huấn bắt chó thả rông cho nhân sự của UBND cấp xã theo quy định", ông Thiết nói.
Bình luận (0)