Đời cây chuyện làng: 'Địa đạo' trong lòng cây thị 500 tuổi

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
31/07/2022 07:30 GMT+7

Nhìn vẻ bề ngoài xanh tốt, ít ai nghĩ rằng cây thị ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) lại rỗng ruột từ sát gốc cho đến ngọn. Nhiều cán bộ cách mạng đã ẩn nấp bên trong thân cây để tránh sự truy bắt của thực dân Pháp và tay sai, từ đó một “địa đạo” kỳ lạ được hình thành...

Linh thiêng cây di sản

Làng Phước Tích (nằm cách TP.Huế khoảng 40 km về phía bắc) là ngôi làng cổ thứ 2 sau làng cổ Đường Lâm (TP.Hà Nội) được công nhận là di tích cấp quốc gia (năm 2009). Nhìn trên bản đồ, làng Phước Tích được dòng Ô Lâu bao bọc tạo thành bán đảo hình trôn ốc rất đẹp mắt. Cũng bởi nằm ở vị trí trù phú, tốt tươi mà nhiều tài liệu chép rằng đời vua Lê Thánh Tông, vào năm 1470 - 1471, ngài thủy tổ Hoàng Minh Hùng sau khi đánh đuổi quân Chiêm Thành đã đi xem xét đến nguồn Ô Lâu rồi chiêu tập nhân dân lập làng. Theo nhiều người am hiểu lịch sử địa phương, cây thị có thể được trồng lên theo dấu chân khai canh của những cư dân Đại Việt.

Cây thị 500 năm tuổi tỏa bóng che ngôi miếu thờ Thánh mẫu PoNagar

HOÀNG SƠN

“Cùng với hệ thống nhà cổ, đình, miếu, nhà thờ các tộc họ, cây thị là thành phần gắn liền với quần thể di tích làng cổ Phước Tích. Đối chiếu với những gì sử sách chép lại, tuổi đời của cây thị không dưới 500 năm”, ông Hồ Văn Thái (68 tuổi, một người nghiên cứu lịch sử địa phương) nói. Năm 2015, khi được công nhận là Cây di sản, cây thị có chiều cao 25 m, chu vi thân cây khoảng 6 m. Trải qua không biết bao biến động của lịch sử, cây vẫn luôn tươi tốt và là nơi các thế hệ dân làng hướng về mỗi dịp lễ trọng đại. Bởi cạnh đó có một ngôi miếu cùng tên cây được lập nên không dưới 500 năm qua.

Theo Ban quản lý làng cổ Phước Tích, miếu được xây bằng gạch, có tường bao quanh khuôn viên. Phía trước miếu có bình phong trang trí hình chim phượng, hai bên có cửa vòm để ra vào. Qua cách bài trí và thờ tự, có thể nhận định đây là miếu thờ Thánh mẫu PoNagar của người Chăm đã được Việt hóa. Việc cúng tế tại miếu diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hằng năm, đó cũng là ngày xuân tế của làng.

Miệng "địa đạo" dẫn vào thân cây thị

“Tại ngôi miếu này, người dân lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ, như nhiều người bất kính với ngôi miếu đã phải trả giá… khiến cho dân làng và cả ở nhiều nơi khác đều tin vào sự linh ứng. Trong kháng chiến, quân địch không dám lại gần cây thị cũng vì sợ...”, cụ Nguyễn Duy Tùng (87 tuổi, nhà gần gốc thị) kể.

“Hầm bí mật” trong thân cây

Chúng tôi cúi mình bước qua cánh cổng dẫn vào ngôi miếu vì cửa chỉ cao khoảng 1,3 m, ai muốn vào đều phải khom người. Đó cách người xưa thiết kế để thể hiện sự tôn kính trước đấng thần linh. Từ ngoài nhìn vào, gốc cây thị chỉ cách chưa đầy 1 m phía bên phải ngôi miếu. Ông Hồ Văn Thái chỉ cho chúng tôi xem “cửa” hầm độc đáo phía sau gốc cây. “Đây chính là nơi trong kháng chiến chống Pháp, chiến sĩ, cán bộ cách mạng đã nhiều phen ẩn náu để trốn tránh sự truy đuổi của giặc”, ông Thái nói.

Thân cây thị bị rỗng ruột gần hết, từ gốc cho đến phần ngọn. “Cửa chính” ở sát gốc cây khá rộng, một người lớn có thể chui lọt. Càng lên phần ngọn, phần ruột rỗng càng bị thu hẹp dần. Muốn lên đến ngọn phải thật khéo léo lách mình qua những ụ cây nhô ra, dọc thân cây có khá nhiều “lỗ thông hơi” lớn nhỏ. Phía sát ngọn cây là “cửa phụ”, tuy không thể chui lọt nhưng lại là điểm quan sát từ trên cao khá tốt.

Là người từng chui vào thân cây thị để ẩn nấp, cụ Nguyễn Duy Tùng cho biết thời điểm chống thực dân Pháp, quân ta thường xuyên trốn tránh trong bộng cây. Khi còn là du kích địa phương, cụ Tùng thường trèo lên nằm trên ngọn cây để canh gác. “Bên trong thân cây khá chật nên chỉ đủ chỗ cho khoảng 5 - 7 người. Để lên được tận ngọn thì phải dùng lực tay chân tì, bám vào thân cây rồi cứ thế từ từ nhích lên. Người ta còn chèn tấm ván để đứng chồng lên nhau”, cụ Tùng kể.

Lý giải vì sao giặc không để mắt đến cây thị, cụ Tùng cho biết tay sai cho thực dân Pháp cũng là người địa phương nên biết những câu chuyện linh ứng xung quanh cây thị, khiến chúng khiếp sợ… (còn tiếp)

“Thị làng, bàng họ”

Ông Hồ Văn Thái cho biết thêm, người làng Phước Tích thường nhắc đến câu "thị làng, bàng họ" để nói đến việc cây thị đại diện cho làng. Còn cây bàng đại diện cho họ Hồ, bởi cây này mọc trước nhà thờ tộc họ Hồ được lập nên từ năm 1470, theo dấu chân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông. Cây bàng này có tuổi đời hàng trăm năm, cũng là nơi du kích địa phương tận dụng điểm cao để cảnh giới và ra ám hiệu cho cán bộ cách mạng qua lại sông Ô Lâu một cách an toàn.

Đời cây chuyện làng

Dưới gốc đa ngàn năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.