Đời cây chuyện làng: Dưới gốc đa ngàn năm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/07/2022 06:32 GMT+7

Không chỉ Cây Di sản , cây xanh cổ thụ sinh trưởng hàng trăm đến cả ngàn năm qua luôn chất chứa trong mình nhiều câu chuyện thú vị gắn với mỗi ngôi làng, mỗi mảnh đất.

Trong loạt bài này, Thanh Niên giới thiệu đến độc giả những cây đại thụ với "tư cách" là chứng nhân lịch sử ở các địa phương dọc dải miền Trung.

Hơn 100 năm trước, dưới gốc đa ngàn năm tuổi ở bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), lực lượng kháng chiến chống Pháp đã tìm về ẩn náu, trao đổi thông tin. Ngày nay, người dân và du khách nườm nượp tìm đến dưới tán đa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của cây.

Cây đa 800 năm tuổi với thân cành xum xuê, tỏa bóng mát quanh năm

"Kỳ quan" trên núi

Bán đảo Sơn Trà, "lá phổi xanh" của thành phố biển Đà Nẵng, là nơi sinh trưởng của gần 1.000 loài thực vật bậc cao. Trong đó, khu vực phía đông bán đảo có nhiều cá thể đa cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, chỉ một trong số này được công nhận Cây Di sản VN từ năm 2014: cây đa núi cao. Theo hồ sơ, cây đa này thuộc họ dâu tằm (moraceae), nằm ở tiểu khu 63 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Theo báo cáo do các chuyên gia của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN thực hiện, qua khoan tăng trưởng thân cây xác định cây đa này khoảng 800 năm tuổi. Dù vậy, người dân địa phương quen gọi là “Cây đa ngàn năm”. Từ nhiều năm qua, mỗi khi nhắc đến cây đa này, người dân không khỏi tự hào về một điểm du lịch độc đáo. Bởi cây đa có kích thước rất lớn với hình dáng bề thế, hùng vĩ. Tự thân cây đa sinh trưởng bên vách núi sát biển đã tạo nên thế đứng cực kỳ đẹp mắt, chẳng khác gì kỳ quan do thiên nhiên ban tặng.

Để đến được cây đa, khách cần men theo tuyến đường du lịch Bãi Bắc - Ghềnh Đá - Mũi Nghê. Khi đến ngã ba Bãi Bắc, đi thêm khoảng 3,5 km, từ xa đã có thể thấy tán cây đa xòe rộng bao phủ cả một góc rừng. Lại gần, nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến cây đa cao khoảng 25 m, chu vi thân cây đến 5 - 6 người ôm. Bộ rễ chính rộng đến hàng trăm mét vuông. Đặc biệt, mỗi cành cây vươn ra xa đều có các rễ phụ đâm xuống đất để làm “bệ đỡ” trông rất lạ mắt. Qua kiểm đếm của ngành chức năng, cây đa có khoảng 10 rễ phụ…

Dù là ngày hè nóng nực, nhưng khi ngồi dưới cây đa ai cũng có cảm giác thư thái, thoải mái vì tán cây lớn che rợp cả vạt rừng. Cũng bởi hình dáng kỳ vĩ mà cây đa Sơn Trà thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày.

"Kỳ quan" cây đa Sơn Trà thu hút hàng trăm du khách tham quan mỗi ngày

HOÀNG SƠN

Chứng nhân khẩn đất, lập làng

Hồ sơ đăng ký Cây Di sản VN nêu nhiều giá trị văn hóa lịch sử của cây đa Sơn Trà. Từ xa xưa, bán đảo Sơn Trà đã có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng. Trong những năm đầu của thế kỷ 19, các vị vua triều Nguyễn cho lập pháo đài phòng thủ, đài quan sát ở đây. Bán đảo Sơn Trà cũng trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân dân Đà Nẵng thời chống Pháp (năm 1858) và chống Mỹ (năm 1965). Vị trí cây đa Sơn Trà được lực lượng tự vệ, dân quân tự vệ, biệt động thành chọn làm nơi ẩn nấp, hội họp để trao đổi thông tin...

Nhức nhối nạn khắc chữ vào thân cây

Dạo một vòng quanh thân và các rễ phụ, PV Thanh Niên nhận thấy bên cạnh các nét chữ cũ, hiện cây đa vẫn tiếp tục bị những người vô ý thức xâm hại với những vết cứa, vết khắc mới.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho hay sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ cây đa di sản.

"Tôi mong người dân hãy nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ cây đa. Nếu cứ cứa vào thân cây như cứa vào thân thể của mình, cây đa sẽ bị ảnh hưởng, rồi suy tàn thì thật đáng tiếc", ông Vũ nói.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho biết bán đảo Sơn Trà/núi Sơn Trà nổi tiếng không chỉ vì có hang Bà Đính ở P.Thọ Quang và cây me Phước Trường ở P.Phước Mỹ, 2 đại bản doanh của đảng bộ và chính quyền khu Đông Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp, mà cũng nổi tiếng vì có cây đa di sản, vốn được phát hiện từ năm 1771.

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng “cây đa di sản đầu tiên của Đà Nẵng” do ai trồng hay mọc tự nhiên là điều chưa thể khẳng định. “Tuy nhiên, khi nói rằng cây đa di sản đầu tiên của Đà Nẵng “được phát hiện từ năm 1771” thì có nghĩa vào đầu thập niên 70 thế kỷ 18, khu vực bán đảo Sơn Trà đã có cư dân Đại Việt sinh sống, gắn với quá trình Quảng Nam mở cõi, khẩn đất lập làng hàng trăm năm trước. Từ khi phát hiện cây đa - một loài cây thân thuộc với các làng quê Đại Việt trên đỉnh núi cao cho đến khi được công nhận cây đa di sản đầu tiên, người Sơn Trà đã không ngừng chăm sóc, trân quý và tự hào về cây đa này”, ông Tiếng nói.

Mùa này, cây đa đang kết trái với những chùm màu vàng rất đẹp. Đây cũng chính là thứ thức ăn yêu thích của loài voọc chà vá chân nâu. Cây đa cũng là nguồn sống của loài linh trưởng đặc hữu Sơn Trà.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.