Một người Kenya đang theo đuổi sứ mệnh bất khả thi, trong nỗ lực đòi lại công lý cho Jesus Christ bị án oan trong gần 2.000 năm.
Việc theo đuổi những vụ kiện cho các nạn nhân bị mất tích từ lâu không phải là điều quá bất thường, nhưng hành động của luật sư Dola Indidis, người Kenya, được xem là một trường hợp hiếm hoi. Theo The Huffington Post, ông này đang tự giao cho mình một trọng trách: thuyết phục Tòa Tư pháp quốc tế (ICJ) tại Hague lật lại bản án khi xưa và phủ quyết cáo trạng dẫn đến tội tử hình của Jesus Christ cách đây gần 2.000 năm. Tuy nhiên, thách thức mà ông này đang phải đối mặt không hề đơn giản. Mục tiêu của vụ kiện là chính quyền và lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Jesus, bao gồm hoàng đế La Mã Tiberius, vua Herod xứ Judea, thống đốc xứ Judea Pontius Pilate, cũng như các trưởng tế, bô lão, thầy luật Do Thái. Theo một số nguồn tin, luật sư Indidis còn muốn kiện luôn chính phủ Ý và Israel hiện tại, dựa trên luận điểm cho rằng họ thừa hưởng luật lệ từ đế quốc La Mã khi xưa.
|
“Tôi đã nộp đơn kháng án vì nhiệm vụ của tôi là giành lại nhân phẩm cho Jesus Christ, và tôi đã lặn lội đến Hague để tìm kiếm công lý cho người đến từ Nazareth”, tờ The Nairobian dẫn lời luật sư Indidis. Ông nhấn mạnh, bản án thời đó dành cho người khai sinh Thiên chúa giáo hoàn toàn vi phạm quyền con người thông qua thái độ thành kiến, lạm dụng quyền lực và những hành vi sai trái của giới tư pháp thời đó. Tất nhiên theo quy định của luật pháp hiện tại, nỗ lực của Indidis cầm chắc thất bại. Trước đây, Indidis đã cố gắng mang vụ việc lên Tòa tối cao Kenya vào năm 2007, nhưng tòa từ chối tiếp nhận vì không có quyền hạn xét xử. Thậm chí tòa ICJ cũng khó xem xét vụ kiện, chứ đừng nói đến khả năng ra phán quyết.
Tuy nhiên, những trở ngại đó không ngăn cản Indidis theo đuổi vụ kiện. Ông lập trang Facebook vận động tài trợ từ các nguồn khác trong xã hội để tiếp tục con đường đi tìm công lý cho “thân chủ” nổi tiếng. Ông đăng ảnh chụp thẻ hành nghề luật sư tại Kenya lên tài khoản mạng xã hội, cùng bức thư đề ngày vào tháng 12.2011, tức lần đầu tiên ông nỗ lực đưa vụ án đến The Hague. “Cùng với nhau chúng ta có thể thắng”, ông phát biểu tự tin trên trang Facebook của mình. Oái ăm thay, vụ án của Chúa Jesus bắt đầu với câu hỏi về quyền hạn xét xử. Theo kinh Tân Ước, Jesus đã làm xáo trộn các quy tắc xã hội bằng cách thực hiện những phép lạ và thách thức các chính quyền địa phương. Các lãnh đạo Do Thái đã bắt ngài trong dịp lễ Quá hải về tội báng bổ, do ngài tuyên bố mình là con của đức chúa trời. Họ giải Jesus đến trước mặt thống đốc Pilate, người nói rằng không có quyền hạn xét xử và giải đến vua Herod, rồi đến lượt ông này gửi trả lại Pilate. Pilate nói với quần chúng rằng: “Ta đã thẩm vấn nghi phạm trước sự hiện diện của mọi người và kết luận rằng người đàn ông này không hề phạm bất kỳ lỗi nào mà các người gán cho ông ta… Do vậy ta sẽ ra lệnh quất roi người này rồi phóng thích”. Kinh Thánh ghi lại đám đông đã gây áp lực yêu cầu Jesus bị đóng đinh trên thập giá, và Pilate chấp thuận. Thế là Jesus bị đóng đinh cùng 2 tội phạm khác.
Nỗ lực của Indidis cũng đã nêu lên một câu hỏi lớn hơn mà lâu nay các tín đồ Thiên chúa giáo vẫn không ngừng tranh luận: Tại sao Jesus phải chết? Những nhà nghiên cứu về thần học cho rằng cái chết của Jesus là cần thiết để khởi động quá trình cứu rỗi nhân loại, và đó cũng là điều quan trọng cho Jesus, người xưng là Đấng cứu thế, trải nghiệm cái đau đớn ở con người và cả cái chết. Trong khi đó, một giả thuyết khác cho rằng sự qua đời của Chúa Jesus là hành động cứu thế, nhằm chuộc lại tội lỗi của loài người, theo tạp chí TIME. Có vẻ như câu hỏi được nhiều tín đồ băn khoăn lâu nay cũng khó sớm có đáp án.
Hạo Nhiên
>> Thánh tích Chúa Jesus tại Thổ Nhĩ Kỳ ?
>> Cứu ngôn ngữ của Chúa Jesus
>> Nghiên cứu ADN thời Chúa Jesus
>> Xác định được ngày Chúa Jesus bị hành hình?
>> Rô bốt đã khai quật được mộ phần Chúa Jesus?
>> Tìm thấy nơi an nghỉ của Chúa Jesus?
>> Chúa Jesus “hiển linh”
>> Nghi án cây đinh đóng chúa Jesus
>> Tượng chúa Jesus cao nhất thế giới
Bình luận (0)