Đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh H.Châu Thành có 10 thành viên, do anh Nguyễn Thanh Sơn, Phó bí thư Đoàn TT.Tân Hiệp, làm đội trưởng. Đến nay số thành viên của đội tăng lên 14 người.
Điểm chung của các thành viên là không hưởng lương, phụ cấp và có tinh thần thiện nguyện.
“Nhiều người bảo nhóm chúng tôi bao đồng, quá rảnh, tan sở không lo về nhà nghỉ ngơi, vui vẻ với gia đình hoặc đi chơi với bạn bè..., nhưng với chúng tôi đơn giản là niềm vui và qua đó cảm thấy cuộc sống này có thêm nhiều ý nghĩa”, cô giáo Lê Thị Trà My (24 tuổi), đang dạy ở Trường mầm non TT.Tân Hiệp, là thành viên nòng cốt của đội, bộc bạch.
Từ khi thành lập đến nay, đội tình nguyện đã ứng cứu hàng trăm người bị tai nạn giao thông |
BẮC BÌNH |
Di chuyển gần 100 km trong đêm để kịp cứu người
Gần 18 giờ một ngày cuối tháng 3, cơn mưa khá nặng hạt trút xuống làm cho trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Cá, TT.Tân Hiệp lênh láng nước. Tuy vậy, hơn 18 giờ là 14 thành viên của đội đã có mặt đầy đủ tại trụ sở này.
Khi hai anh công nhân Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Huỳnh Thanh Tùng vừa đến thì anh Lê Đăng Khoa (34 tuổi, chủ một quán ăn ven QL1, đoạn qua TT.Tân Hiệp, cùng là thành viên của đội) nêu ý kiến: “Chiều giờ mưa khá lớn, hai bên hành lang QL1 có nhiều đoạn bị ngập sâu, lại mưa đầu mùa nên tại các hố ga, ổ gà… bị trũng nước sẽ là mối hiểm nguy lớn với người tham gia giao thông. Do đó, cần phải nhanh chóng khảo sát tại các điểm đó, nếu cần thì làm tín hiệu cảnh báo giúp người đi đường”.
Lời anh Khoa được mọi người đồng ý. Ngay lúc đó, cô giáo Trà My (1 trong 2 thành viên nữ) chuẩn bị “đồ nghề” để ông Lê Bảo Anh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TT.Tân Hiệp, đưa lên xe cứu thương bắt đầu hành trình cứu nạn.
Nhiều người bảo nhóm chúng tôi bao đồng, quá rảnh, tan sở không lo về nhà nghỉ ngơi, vui vẻ với gia đình hoặc đi chơi với bạn bè…, nhưng với chúng tôi đơn giản là niềm vui và qua đó cảm thấy cuộc sống này có thêm nhiều ý nghĩa.
Đội trưởng Sơn là người nhiều kinh nghiệm cứu thương nhất. Anh kiêm luôn lái xe và giữ liên lạc đường dây nóng của đội. Anh cho xe di chuyển chậm hơn 30 km trên QL1, đoạn qua H.Châu Thành nhưng không phát hiện có người cần ứng cứu. Tiếp đó, xe di chuyển trên tuyến đường chính qua địa bàn các xã Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây rồi vòng qua một số tuyến đường thuộc các xã Lương Hòa Lạc, Phú Kiết, Hòa Tịnh của H.Chợ Gạo, vòng về ngã ba Hòa Tịnh theo QL1 di chuyển lên hướng KCN Tân Hương. Quãng đường đi lúc này đã gần 100 km.
Chúng tôi nhìn thấy một nhóm khá đông công nhân vừa tan ca từ KCN Tân Hương vây quanh một điểm ngay đầu huyện lộ 31 (nút giao với QL1 gần cầu Tân Hương, đoạn giáp ranh giữa Tiền Giang với Long An). Với sự nhạy cảm của mình, anh Sơn đoán khả năng cao là một vụ tai nạn giao thông. Đúng vậy, khi chúng tôi đến thì thấy một thanh niên ngồi bệt xuống đường, ôm chân đau đớn bên chiếc xe máy biển số tỉnh Trà Vinh, cạnh đó là một ba lô đã bị rách ló ra nhiều quần áo cũ. Mọi người bảo do anh này chạy xe máy một mình, hơi nhanh, va quệt với xe của một nhóm công nhân nên bị té.
Nạn nhân quê Trà Vinh cho biết anh đang trên đường lên TP.HCM làm bốc xếp thì không may bị tai nạn. Trong người chỉ còn hơn 400.000 đồng mà theo anh thì số tiền này sẽ dùng đổ xăng, ăn uống trong thời gian chờ đi làm có lương. Sau khi được sơ cứu, anh Sơn, cô My và ông Bảo Anh cùng nhận định chân của nạn nhân đã bị gãy nên quyết định đưa đến Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang bó bột.
Khi có nhà tài trợ, dư ra được chút tiền là đội sẵn sàng chia sẻ với các trường hợp khó khăn, cơ nhỡ sống ven QL1 |
Tự sản xuất gạc, nẹp cứu thương cho đỡ chi phí
Gần 22 giờ, người thân của nạn nhân đã đến và đường dây nóng cũng không có ai gọi báo tai nạn cần giúp đỡ nên anh Sơn lái xe đưa đội di chuyển về trụ sở ấp Cá, kết thúc một đêm làm thiện nguyện trong tiếng cười đùa vui vẻ.
Anh Sơn chia sẻ: “Cha mẹ tôi sống nhờ vườn dừa 3 công bên xã Tân Lý Đông thôi chứ khá giả gì đâu. Tôi làm cán bộ bán chuyên trách ở TT.Tân Hiệp cũng hơn 5 năm rồi. Ban ngày làm việc cơ quan, ban đêm làm thiện nguyện cùng anh em trong đội. Nói chung, thu nhập cũng đủ trang trải vì tôi chưa có gia đình nên mọi thứ cũng dễ dàng”.
Đội được Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng, duy trì được trong 4 tháng sau khi thành lập rồi chấm dứt. Do đó, đội phải tự lực cánh sinh. Tuy khó khăn nhưng đội không đứng ra vận động. Thấy việc làm của đội có ý nghĩa nên một số người có lòng hảo tâm ở địa phương đã đóng góp.
“Tiền bông băng, thuốc rửa, thuốc giảm đau… thì đội được một tiệm thuốc tây ở TT.Tân Hiệp bán giá vốn, tháng nào tiệm thuốc làm ăn được thì chủ tiệm cho được một ít dụng cụ. Riêng gạc, nẹp cứu thương thì nhóm tìm gỗ tạp về tự làm, cũng dễ chứ không khó lắm đâu. Thấy vậy chứ tính luôn tiền xăng để xe cứu thương di chuyển, bánh trái, trà lá, mì tôm cho anh em ăn tối thì mỗi tháng cũng phải tốn vài triệu đồng”, anh Sơn bộc bạch.
Từ khi thành lập đến nay, đội tình nguyện đã ứng cứu hàng trăm người bị tai nạn giao thông |
BẮC BÌNH |
Riêng về kỹ năng sơ cứu rất chuyên nghiệp mà đội có được đều do thành viên Phạm Thị Phương Trúc, một y tá đang làm việc tại phòng khám tư nhân ở H.Châu Thành, hướng dẫn phần cơ bản. Ngoài ra, do yêu thích công việc thiện nguyện nên các thành viên học hỏi thêm qua mạng internet, bạn bè và tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.
“Khi nạn nhân bất tỉnh hoặc té văng vào các chỗ khó di chuyển cơ thể ra ngoài thì chúng tôi rất thận trọng. Nếu không biết mà tích cực tác động hoặc cố gắng chuyển nạn nhân lên xe một cách thiếu kinh nghiệm thì rất có khả năng sẽ làm đứt tủy xương, gãy cổ dẫn đến tử vong. Thông thường, các nạn nhân bị tai nạn giao thông đa chấn thương nên việc sơ cứu, đưa nạn nhân lên xe phải được tiến hành một cách bài bản, nhẹ nhàng hết mức có thể”, cô giáo Trà My chia sẻ kinh nghiệm.
Bình luận (0)