Đôi điều với bình luận viên World Cup 2018

15/07/2018 17:22 GMT+7

World Cup chỉ còn trận chung kết sôi động và đầy dự tính của 2 đội, chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”, trái bóng sẽ lăn về phía Pháp hay Croatia. Nhưng dù ai thắng thì cũng xứng đáng, và sân chơi này cho đến nay đã gần trọn vẹn.

Để một mùa World Cup qua đi đầy hứng khởi phấn khích như thế, không thể không cảm ơn các nhà đài đã cho công chúng khán giả mục kích được đầy đủ những cú chuyền bóng đầy tính nghệ thuật, những pha bóng đẹp ghi bàn, những nỗ lực tận hiến của 32 đội bóng của hành tinh.

Tuy nhiên, “viên sỏi” gây khó chịu trên thảm cỏ xanh mướt phẳng lì mỗi đường bóng lăn vẫn là chuyện bình luận trong các trận đấu. Tôi vẫn có cảm giác như cách bình luận của báo hình thời hiện đại chẳng khác gì cách bình luận của báo nói (radio) cách đây mấy chục năm về trước. Cái lối nói liến thoắng, có tính cách “bày vẽ” cho khán giả truyền hình bây giờ, là lối bình luận cho thính giả nghe qua đài phát thanh thuở trước.
Bởi, một khi người xem bằng mắt là họ đã quá rõ tình hình trên sân. Chưa kể thời thông tin nhanh nhạy và đầy đủ như bây giờ, thì ai cũng biết rằng nhân thân, thể lực, thậm chí là bước chạy, diễn biến của mỗi đội bóng ra sao. Chứ không phải như đã lâu về trước, ít thông tin và nghe bằng tai qua sóng phát thanh, người ta cần sự hỗ trợ thông tin của bình luận viên (BLV) để hình dung diễn tiến của trận cầu ra sao.
Vì thế, nên các BLV bóng đá truyền hình như L.V, Q.H thời trước rất nổi tiếng. Họ giỏi nắm bắt tâm lý người xem và nhận được sự yêu mến, là do họ biết bình luận theo kiểu nói ít, chỉ cần nói khi tình huống rất gay cấn, và rất quan trọng là nói có “điểm nhấn”, có khi hóm hỉnh. Cái tính chất gây thích thú cho khán giả chính là những điều bất ngờ mà BLV giỏi đem lại cho công chúng. Không phải điều gì cũng nói, mà có khi nói rất “nhảm”, nên dễ gây chán!
Hôm trước ngồi với nhau, đề tài vẫn là trái bóng, người bạn nói rằng vì sợ “loạn óc” nên có trận tôi tắt tiếng, chỉ xem hình. Người viết cũng vậy, có khi nghe mệt quá, thử tắt tiếng. Nhưng xem bóng đá qua màn ảnh nhỏ mà tắt tiếng thì còn gì thú vị, vì không nghe được không khí náo nhiệt, sôi động trên sân. Vậy là đành phải mở tiếng, và lại chịu trận!
Đó là chưa kể, đôi khi có lúc hai BLV lại nói chỏi nhau về chuyên môn. Ví dụ, với trận Anh - Croatia, một BLV nói về một đường bóng, rằng “đây là một pha bóng may mắn”, BLV kia lập tức cướp lời nói ngay “không phải là may mắn, mà họ phòng ngự có tính chủ động” (!). Nhưng với người xem hơi bị thiếu hiểu biết về chuyên môn bóng đá như tôi, nếu cần nói thì pha bóng ấy phải được nói là “họ đã phòng thủ chủ động, nên phá được thế công của đối thủ trong đường bóng này”, bởi thứ gì cũng gắn cho “may mắn”, thì hóa ra họ chơi bóng hoàn toàn thiếu chủ ý à? Tất nhiên, đây không phải là một ý kiến cực đoan, bởi bóng đá cũng như cuộc đời, yếu tố may mắn thỉnh thoảng lại hiện diện!
Và tất nhiên, BLV là những người rất yêu thích thể thao, nên đôi khi khó kìm được cảm xúc. Nhưng phân tích cho hàng chục triệu người xem, thì phải biết “lẫn” vào trong cảm xúc, trong trái tim của khán giả. Đôi điều góp nhặt từ một mùa World Cup sôi động, chỉ đề cập đến một khía cạnh, đó là làm sao để tương tác với khán giả và làm hài lòng họ, là chuyện không dễ. Nhưng làm được điều này mới là đẳng cấp, mới giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.