Đối mặt sạt lở đất: Làm cách nào để thoát thân, bảo vệ tính mạng?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
24/09/2024 15:45 GMT+7

Nếu nhận diện được các mối nguy sạt lở, người dân nên tìm cách di tản càng sớm càng tốt hoặc trong tình huống khẩn cấp có thể ghi nhớ và áp dụng những 'chiêu thức' thoát thân dưới đây.

Chuyên gia kỹ năng sống và quản trị hạnh phúc gia đình trên sóng trực tiếp VSAM tại Mỹ, Lê Thanh Lưu chia sẻ bí quyết đơn giản giúp người dân vùng bão lũ, sạt lở ứng phó hiệu quả, bảo vệ an toàn bản thân và gia đình. 

Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chuẩn bị và ứng phó nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.

Theo chuyên gia Lưu thời gian sau bão số 3 và 4, sạt lở đất xảy ra ngày càng nhiều và lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở nước ta. Đây là hiện tượng thiên nhiên hung bạo, hình thành từ những vùng đất đồi núi có độ nghiêng lớn, cấu trúc địa chất không ổn định. Đồng thời, nền đất bị mưa "tấn công" lâu ngày dẫn đến trương nở, no nước gây trượt lở.

Đối mặt sạt lở đất: Làm cách nào để thoát thân, bảo vệ tính mạng?- Ảnh 1.

Vụ sạt lở đất xảy ra tại xã Nậm Lúc hôm 10.9

Ảnh: Đình Huy

Với lũ lụt thường không nguy hiểm với người biết bơi hoặc có bè nổi, nhưng dòng lũ bùn, đá của sạt lở thì bất cứ người nào cũng đều trở thành nạn nhân trên đường nó đi qua. Do đó, mối nguy sạt lở thường rất bất ngờ, gây tang thương tàn khốc và rất khó dự đoán, khó thoát hiểm và khó khắc phục.

Với những đặc thù sạt lở nguy hiểm như vậy, chuyên gia này đã chỉ ra nhiều cách để người dân có thể xoay xở và ứng phó.

Chuyên gia Lưu nói rằng cho đến nay chúng ta chưa có đủ hệ thống số liệu khảo sát địa chất đến từng khu vực làng, xã hay mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện nay còn quá thưa, dự báo mưa định lượng hạn chế, không chi tiết từng khu vực nhỏ như đồi, suối hoặc làng, xã...

Ngoài việc phải bám sát chỉ đạo và cảnh báo từ chính quyền thì việc chủ động, xác định các dấu hiệu để nhận biết trực tiếp từ khu vực người dân sinh sống vẫn là điều quan trọng nhất. Thậm chí chính người dân địa phương là nguồn cung cấp thông tin về tình trạng khu vực, hỗ trợ chính quyền đưa ra những quyết định quan trọng.

Đường lên thôn Nậm Tông: Xúc động hình ảnh hợp sức đẩy xe hàng cứu trợ trong bùn lầy

Cách nhận biết mối nguy sạt lở

Vị này cho biết, khi mùa mưa đến, người dân lưu ý quan sát xung quanh, nhất là các triền núi có độ dốc khoảng 25° đều có nguy cơ sạt lở cao, 30° là nguy cơ rất cao. Ngoài ra, cần chú ý nhiều hơn ở các hố khai thác, những căn nhà khoét ngang chân núi, cung đường xâm hại đến chân núi, những vạt đồi khai thác cây gỗ...

Sau những đợt nắng nóng có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến lớp đất bề mặt, sau đó gặp đợt mưa lớn kéo dài (khoảng một tuần, tháng hoặc hơn) thì lớp đất đá dễ bị bão hòa với nước và chảy nhão.

"Có những nơi xa việc sạt lở đã bắt đầu nhưng chỗ chúng ta đang ở thì chưa xảy ra, do đó nên quan sát những sườn đồi nếu thấy có mạch mở, nứt thì có nghĩa địa chất cả khu vực đang bị ảnh hưởng, cần sơ tán kịp thời", ông Lưu chỉ dẫn.

Đối mặt sạt lở đất: Làm cách nào để thoát thân, bảo vệ tính mạng?- Ảnh 2.

Người dân cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm để nhận biết nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra

Ảnh: Minh Hải

Với những vị trí trên cánh rừng hoặc vườn nhà có những cây nghiêng bất thường hoặc rừng cây rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất mà nguyên nhân chính do cây cối cán qua nhau,  các tảng đá, mảng địa chất lớn va chạm, tách rời trong khi dịch chuyển thậm chí tạo ra tiếng nổ lớn.

Một dấu hiệu khác là bỗng dưng xuất hiện những mạch nước trào lên, lớp đất bề mặt bị xé toạc hoặc xuất hiện dòng nước đục bất thường hoặc nước suối, hồ cạn bất thường vì khi có các khe nứt ngầm cắt ngang đáy hồ, sông suối, sẽ hút một lượng nước làm chúng nhanh chóng bị cạn. Nguyên nhân chính là dịch chuyển địa tầng.

Còn bên trong nhà ở nếu có dấu hiệu như tường hay tường bao quanh vườn bị nứt bất thường, phía trước sân có những vết nứt lạ, mặt đất phồng lên, cửa kẹt bất thường bỗng dưng khó đóng mở… thì đó cũng là một dấu hiệu nhận biết. 

Ứng phó khẩn cấp ra sao

Chuyên gia này khẳng định, thực tế việc thoát thân khỏi những vụ sạt lở là không dễ. Ngoại trừ quan sát tốt các dấu hiệu ban đầu thì quyết định sơ tán ngay khi còn sớm là điều nên làm.

Tuy nhiên, với các ứng phó khi sạt lở xảy đến, ông nhấn mạnh: "Chạy thật nhanh và chạy nhanh ngang hoặc chéo". Bởi theo ông, khi không kịp sơ tán nếu nhận định thấy khả thi, người dân cần chạy thoát thân thật nhanh theo hướng vuông góc với hướng di chuyển của dòng sạt lở. Nếu thấy dòng bùn, đá di chuyển quá nhanh không kịp chạy ngang thì phải chạy chéo sao cho vừa tránh xa mép trước của dòng bùn giúp tránh xa hơn hướng di chuyển của nó.

Đối mặt sạt lở đất: Làm cách nào để thoát thân, bảo vệ tính mạng?- Ảnh 3.

Người dân cần nhận biết mối nguy và di tản thật sớm khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Ảnh: LC

Tiếp đến mọi người cần tìm chỗ vị trí địa hình leo lên cao, khi không kịp chạy tránh xa hướng chảy của dòng sạt lở. Người dân phải leo lên những vị trí cao và vững chãi của ngôi nhà. Nếu may mắn, ngôi nhà đủ vững chãi thì coi như thoát hiểm ngoạn mục, nếu nhà cũng bị xô ngã thì việc xoay xở ở các vị trí trên cao sẽ có nhiều cơ hội thoát thân hơn.

Bên cạnh đó, người dân cần tìm và bám trên các vật rỗng hình trụ, cầu vì nó có thể nổi trên dòng chảy đặc thù này. "Nếu có những chiếc bồn nước bằng inox, bằng nhựa đủ lớn và có thể tháo nắp ra chui vào bên trong và để mặc cho "buồng cứu hộ" đó trôi trên bề mặt dòng bùn, đá. Tất nhiên, làm sao cho những chiếc nắp có bịt kín rồi cho mặt nắp xoay xuống đất, nhưng cũng có thể hé ra khi cần tiếp thêm không khí" ông Lưu hướng dẫn.

Cuối cùng, ông Lưu nhấn mạnh khi người dân sống trong những ngôi nhà có địa thế bất lợi, lại gặp mưa lớn kéo dài hãy phân công nhau quan sát các dấu hiệu bất ổn như đã nêu. Thậm chí phải có người trực ngày lẫn đêm và khi ngủ hãy chọn ngủ ở các vị trí xa phía dốc cao gần nhà bởi "một hành trình không chuẩn bị là hành trình nguy hiểm", chuyên gia nói về ứng phó với sạt lở đất hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.