Lũ lụt đến quá nhanh: Cách nào sinh tồn trong những ngày chờ cứu hộ đến?

13/09/2024 09:02 GMT+7

Đối với những vùng lũ lụt chưa đến mức phải sơ tán, khi nhận định có nguy cơ bị lũ tấn công thì người dân cần kịp thời xoay xở bằng nhiều cách khác nhau để ứng phó mà ít tốn kém nhưng có tính khả thi cao.

Chuyên gia kỹ năng sống và quản trị hạnh phúc gia đình Lê Thanh Lưu chia sẻ bí quyết đơn giản giúp người dân vùng lũ lụt ứng phó hiệu quả. Những hướng dẫn từ chuyên gia trên sóng trực tiếp VSAM tại Mỹ nhằm giúp người dân bảo vệ an toàn cho gia đình và tài sản. Lê Thanh Lưu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuẩn bị và ứng phó nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.

Cách bảo vệ an toàn tính mạng khi lũ lụt xảy ra

Chuyên gia Lưu nói rằng khi lũ lụt đến nhanh, mực nước dâng cao, để đảm bảo an toàn cho tính mạng, người dân cần quan sát thật nhiều. Tìm cách khai thác tính nổi của tất cả vật dụng xung quanh, từ đó tạo nên các loại phao cá nhân và xuồng dã chiến.

Chuyên gia Lưu lấy ví dụ như sử dụng can nhựa, người dân cần kết khoảng 4 can loại 20 lít lại với nhau bằng những thanh gỗ, tre... Từ đó, có thể tạo được 1 chiếc bè cho 1 người lớn và 1 trẻ em. Dùng các thanh dài, định vị can ở 4 góc xa tạo bè rộng cỡ như chiếc giường đơn sẽ giúp bè không bị nghiêng, lật.

Lũ lụt đến quá nhanh: Cách nào sinh tồn trong những ngày chờ cứu hộ đến?- Ảnh 1.

Người dân dùng thùng nhựa, kết thành bè vượt lũ

Ảnh: Nguyễn Trường

- Chai nhựa các loại và cộng dung tích lại khoảng 20 chai, mỗi chai loại 1 lít sẽ được một bao tải tương đương can 20 lít. Lưu ý vặn chặt nút chai, buộc chặt miệng bao tải và tính phương án buộc chắc bao tải khi kết bè.

- Túi nilon loại dày, lấy đầy khí rồi buộc chặt miệng túi, cũng như mảnh xốp... cho vào bao tải buộc lại cũng có tác dụng như khi dùng chai nhựa. Nếu trong nhà có nhiều túi nilon người dân có thể dùng các gói bim bim, mì tôm,... cũng có thể dùng được.

- Săm xe đạp, xe máy có thể dùng quàng quanh ngực và vai trẻ nhỏ khi thoát hiểm thô sơ, thay cho áo phao cứu sinh. Thông thường, người lớn phải cần đến 2 cái săm xe máy mới ổn định. Lưu ý khi buộc phao không quá thấp, dễ bị nổi chân rất nguy hiểm.

- Các cây tre, bương, nứa, gỗ, chuối... nếu đủ nhiều thì kết bè rất tốt. Người dân nên dùng dây thép, đóng đinh... liên kết chắc cả bó lại bằng các thanh ngang tại 3 điểm đầu - giữa - cuối.

Với những loại nhà cấp 1, khi nước ngập qua cửa thì nên dỡ một bên mái lấy các thanh xà, rui, mè... để làm bè. Nửa còn lại để che mưa tạm.

Lũ lụt đến quá nhanh: Cách nào sinh tồn trong những ngày chờ cứu hộ đến?- Ảnh 2.

Người dân có thể tự tìm và sử dụng các vật dụng có sẵn trong nhà để bảo vệ tính mạng trong lũ

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Theo chuyên gia Lưu, một vật dụng thoát hiểm rất hiệu quả khác khi mưa lũ đến là bồn nước. Người dân nên đổ quá nửa nước vào để giúp bồn thăng bằng hơn khi nổi trên mặt nước. Sau đó buộc kín nắp đậy và gia cố thêm vật nổi 2 bên (kiểu như ngựa thồ hàng) để biến bồn nước thành chiếc bè chắc chắn. Lưu ý khi lấy nước ra khỏi bồn người dân nên dự trữ lại trong nồi, xô, chậu... vì nước lúc này rất quý.

Khi nước ngập lên đến các tầng trên kèm dòng chảy xiết thì nguy cơ nhà sập là rất cao, vì vậy lúc này tất cả người có mặt trong nhà cần buộc mình vào dây nối với phao, bè... phòng khi nhà sập vẫn và còn nơi để bám được.

Nước lũ dâng cao, người Yên Bái đứng trên mái nhà chờ tiếp tế

Cần làm gì khi bị cô lập bởi lũ lụt

Khi lũ đến, sẽ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân bị cô lập. Từ bị cô lập khu dân cư do nước cao, lũ lớn, bên ngoài không thể tiếp cận vào được; hộ gia đình ở nơi đồng ruộng, nương xa; một mình do lạc trôi trong lũ đến nơi hoang vắng.

Do đó, lúc này chúng ta không thể trông đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải lần lượt tháo gỡ các khó khăn, tạo sinh tồn cơ bản và chờ đợi ứng cứu. Khi bị cô lập trên nóc nhà, điều quan trọng đầu tiên là phải tìm các giải pháp, tạo vật nổi, vừa để di chuyển tìm kiếm sự hỗ trợ vừa là để thoát thân khi lũ lên cao vượt nóc nhà. Nếu có thể chúng ta nên tháo một phần mái để lấy gỗ làm bè bởi trong tất cả các loại bè dã chiến thì bè gỗ là chắc chắn nhất. Việc tạo bè dã chiến, có 2 thách thức quan trọng là tìm vật liệu nổi, dây buộc và cách buộc sao cho chắc chắn. Chiếc bè dã chiến là cơ hội, là sự sống cho cả gia đình.

Lũ lụt đến quá nhanh: Cách nào sinh tồn trong những ngày chờ cứu hộ đến?- Ảnh 3.

Người dân cần lưu ý nhiều cách để bảo vệ tài sản

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Với nhiều người không biết bơi, tình huống trượt chân trên mái nhà dốc rồi trôi theo lũ rất nguy hiểm tính mạng, thậm chí người nhà lao xuống cứu lại tăng thêm tổn thất. Do đó, hãy buộc dây vào tay và neo vào vị trí thuận lợi để đảm bảo được kéo vào khi bị rơi xuống nước, đặc biệt là trẻ em.

Thứ 2, khi bị cô lập trên nóc nhà phải xử lý hiệu quả các vết thương dù nhỏ trên cơ thể để tránh nhiễm trùng, nước lũ luôn mang theo cực nhiều vi khuẩn tràn ra từ chuồng trại, xác thối...

Bên cạnh đó việc ăn uống không sạch cũng dễ dẫn đến tiêu chảy, nhanh dẫn đến kiệt sức, khó khăn lại càng thêm khó khăn. Trong khi chờ cứu hộ, việc tiết kiệm nước là rất quan trọng, nếu có mưa phải tranh thủ hứng nước bổ sung.

Trong tình huống lũ dữ ập đến, phải trôi nổi tìm nơi trú tránh tiếp theo. Người dân hãy đánh giá dòng chảy và cơ hội chuyển hướng để đảm bảo tiếp cận đích đến hiệu quả, vì rất có thể bỏ lỡ mục tiêu sẽ bị trôi đến nơi nguy hiểm hơn, thậm chí là đến nơi hoang vắng rất khó tiếp cận cơ hội cứu hộ.

Nước lũ bủa vây bệnh viện ung thư ở Hà Nội, khổ càng thêm khổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.