Đổi mới cách lấy ý kiến đóng góp dự thảo chính sách, luật pháp

01/04/2015 12:22 GMT+7

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16.3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị sửa đổi luật Sĩ quan quân đội nhân dân và luật Công an nhân dân. Lập tức, đề nghị này đã gây bất ngờ và bức xúc tại cuộc họp vì cả hai luật này vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và chưa có hiệu lực thi hành.

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16.3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị sửa đổi luật Sĩ quan quân đội nhân dân và luật Công an nhân dân. Lập tức, đề nghị này đã gây bất ngờ và bức xúc tại cuộc họp vì cả hai luật này vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014), chưa có hiệu lực thi hành. 

Lễ công bố kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi  
- Ảnh: Thái Sơn
Trước đó, theo quy định mới trong luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh và Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, du khách quốc tế đến bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour của công ty trong nước phải xin thị thực nhập cảnh, tốn thời gian làm thủ tục và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 USD lên 45 USD mỗi người. Quy định mới bị nhiều hãng tàu du lịch than phiền vì tiêu tốn nhiều thời gian của khách, thậm chí tàu du lịch nước ngoài "dọa" sẽ không ghé Việt Nam, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải chỉ thị giải quyết cho khách quốc tế đến du lịch bằng đường biển sẽ chỉ phải dán thị thực rời và lệ phí sẽ là 5 USD thay vì 45 USD.
Việc áp dụng luật Bảo hiểm Y tế từ 1.1.2015 cũng có nhiều vướng mắc về thanh toán viện phí đối với các bệnh hiểm nghèo, không giải quyết cho người muốn mua bảo hiểm tự nguyện riêng lẻ…
Vì sao có thực trạng pháp luật vừa mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 thì lập tức gây ra nhiều trở ngại trong thực tế cuộc sống, và chưa có hiệu lực thì phải đề nghị chỉnh sửa?
Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng “việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật, chính sách hiện nay là khâu khá hình thức. Số lượng dự thảo văn bản luôn quá nhiều, đến anh em công chức còn không có thời gian ngồi đọc hết, huống chi là người dân bình thường phải lo kiếm sống, thời gian đâu mà hằng ngày lên trang web của bộ nọ, ngành kia xem có dự thảo gì không để đọc mà tham gia ý kiến. Hơn nữa, nếu đọc mà không có chuyên môn, thiếu thực tiễn thì biết đâu mà góp ý. Vì vậy, điều quan trọng là khi xây dựng văn bản thì cơ quan chủ trì phải tổ chức lấy ý kiến đối tượng được điều chỉnh, đối tượng chịu sự tác động một cách thực chất”.
Đúng như ông Nguyễn Sỹ Cương nói, việc tổ chức lấy ý kiến bằng cách đưa dự thảo luật, chính sách lên trang web của bộ ngành để nhân dân đóng góp ý kiến là việc làm hình thức vì khi vào internet, việc đầu tiên người ta thường làm là kiểm tra hộp thư đến trong địa chỉ mail của mình chứ rất ít người vào trang web của các bộ, ngành để xem dự thảo rồi góp ý.
Lấy ý kiến của các đối tượng điều chỉnh là đúng nhưng hình thức tổ chức cuộc họp như lâu nay cũng chưa thật hiệu quả vì số lượng tham dự không nhiều, ít người tham dự đọc kỹ dự thảo để góp ý cho sâu, lượng người tham gia ý kiến có hạn vì yếu tố thời gian. Trong thời đại công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, tôi thấy cần đổi mới cách lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo chính sách như sau:
- Trước hết, cơ quan soạn thảo cần có địa chỉ email của các đối tượng điều chỉnh của luật pháp, chính sách, đặc biệt là các doanh nghiệp. Chẳng hạn, với luật pháp về nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài thì đối tượng điều chỉnh sẽ là các cơ quan quản lý du lịch, quản lý xuất nhập cảnh, các công ty lữ hành, các khách sạn lớn, các cảng, các hiệp hội liên quan…
Chính sách liên quan đến ô tô thì đối tượng điều chỉnh là các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, các cơ quan quản lý giao thông, quản lý đô thị, các hiệp hội vận tải, các hãng vận tải, các cơ quan kiểm định… Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan quản lý. Như vậy, điều đầu tiên muốn đối tượng điều chỉnh góp ý thì phải tìm cách đưa dự thảo đến “tay” họ.
- Dự thảo được gửi đến địa chỉ email cá nhân của từng đối tượng điều chỉnh trong đó nêu rõ thời hạn cuối cùng để góp ý và đề nghị hồi đáp khi đã nhận được, nếu không thì gửi lại.
- Về phía đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp, cần triển khai dự thảo đến các phòng ban liên quan rồi tổng hợp lại thành góp ý của đơn vị vì hơn ai hết, chính các phòng ban sẽ hiểu rõ chính sách cần ra sao để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
- Cơ quan dự thảo cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc góp ý kiến chứ không phải cứ gửi dự thảo chính sách một lần là xong.
- Nên định kỳ tổng hợp các ý kiến góp ý để thông báo cho đối tượng điều chỉnh biết, nêu rõ ý kiến của những ai. Việc này rất quan trọng để người góp ý cảm thấy mình được tôn trọng, đồng thời thúc đẩy người chưa góp ý đóng góp ý kiến.
- Hết thời hạn đóng góp ý kiến, phải có tổng kết trong đó nêu rõ: những ý kiến nào được cơ quan soạn thảo tiếp thu để đưa vào dự thảo, ý kiến nào không chấp nhận, lý do vì sao; ý kiến không được cơ quan soạn thảo chấp nhận cũng phải trình cho cơ quan có thẩm quyền biết; ý kiến nào tiếp tục nghiên cứu và phản hồi sau...
- Do thư cũng không thể nói hết ý nên đến giai đoạn này, để lắng nghe thêm cho thấu lẽ hay để lý giải cho rõ ràng thì cơ quan soạn thảo tổ chức cuộc họp với các đối tượng điều chỉnh để gút lại. Lúc này, họp sẽ rất hiệu quả vì vấn đề đã được xới lên, thực sự thu hút được sự quan tâm của người dự.
So với cách hiện nay, chắc chắn rằng cách làm trên đây sẽ góp phần quan trọng để đưa cuộc sống vào chính sách. Và chỉ khi nào đưa được cuộc sống vào chính sách thì chính sách mới đi vào cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.