(TNO) - Đó là mệnh đề được cấp thiết đặt ra và từng bước được giải quyết cụ thể dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (còn gọi là Mười Cúc).
Ông Nguyễn Văn Linh và người bạn đời thủy chung Ngô Thị Huệ tại TP.HCM tháng 1.1989 - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu
|
|
Với cách mạng miền nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và với TP.HCM, ông Mười Cúc là vị lãnh đạo gắn bó nhiều năm nhất trên cương vị cao. Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sau ngày thống nhất non sông, ông có đến 6 lần làm Bí thư Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và 2 lần làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Có lẽ nhận trọng trách và nhiều năm gắn bó mật thiết như vậy, khi vượt qua bom đạn chiến tranh, ông dành trọn tâm huyết, đau đáu về từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển thành phố những năm đất nước hòa bình.
Có một thực tế của lịch sử, là kinh tế của cả nước rơi vào tình thế nhiều khó khăn sau khi thống nhất. Nguyên nhân gây nên những khó khăn, sau này được nhìn nhận công khai. Đó là cơ chế hành chính bao cấp, cộng với tệ quan liêu trong tất cả các ngành, nhất là trong lưu thông phân phối, đã làm trầm trọng thêm tình hình mất cân đối trong nền kinh tế.
TP.HCM thời gian đầu không thoát được “guồng quay bao cấp” đó. Thay vì giữ cho quy trình sản xuất của một thành phố đã từng “sống” với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa tiếp tục vận hành và phát triển để tận dụng tài sản quý giá đó, thì lại vội vàng sửa đổi cơ chế, phủ nhận từ khoa học quản lý đến quy trình kỹ thuật.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 12.1986, ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu
|
Bên cạnh đó, việc áp đặt phương thức quản lý của người sản xuất nhỏ, có pha tạp tính chất tự cấp tự túc, khiến cho một cơ sở sản xuất phải chịu rất nhiều đầu mối chỉ huy, tùy tiện trong khâu quản lý kỹ thuật; cùng với chế độ cung ứng bất hợp lý, cuối cùng làm tê liệt dây chuyền hoạt động của cơ sở. Yếu tố thị trường bị “kẹp lại”, sức sản xuất “teo” dần”.
Và ông Mười Cúc đã tìm cách vượt lên, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới.
Bước ngoặt mà cuộc đổi mới từ thực tiễn của TP.HCM và sau này là “Đổi mới” trên phạm vi cả nước, khởi đầu từ “sự kiện Đà Lạt” vào trung tuần tháng 7 năm 1983.
Thời điểm đó, Bộ Chính trị, trong đó có các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công… họp ở Đà Lạt. Ông Mười Cúc tổ chức cho giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM có cách làm mới theo cơ chế của thành phố, trực tiếp báo cáo với các vị lãnh đạo chủ chốt của Trung ương. Sau đó mời các vị lãnh đạo cấp cao đến tham quan, khảo sát thực tế.
Thực tiễn đã chỉ ra những cách làm đúng. Nhờ đó vùng đất đã sống với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa được “cởi trói”, sức sản xuất từng bước được “bung ra”. Trước khi tìm cách “xé rào”, ông Mười Cúc thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta kéo dài khuyết điểm trong một số năm”.
Có thể nói động lực giúp ông Mười Cúc mở đường đổi mới, khởi đầu từ TP.HCM, vì ông đồng tình, ủng hộ quan điểm của nhà chính trị lão thành Trần Bạch Đằng: “Khi không nhìn thấy nụ cười trên gương mặt người dân thành phố thì chúng ta hiểu ngay rằng chính sách của chúng ta có vấn đề”.
Thời đấu tranh cách mạng, nguyên lý “lực to”, “thế mạnh” thì “thắng lớn” đã được vận dụng thành công để đi đến thắng lợi cuối cùng, non sông liền một dải. Trong bộn bề nguy khó về tình hình kinh và đời sống xã hội, ông Mười Cúc tiếp tục vận dụng khéo léo nguyên lý cơ bản này.
Ông Nguyễn Văn Linh tại lớp bồi dưỡng cán bộ hoạt động công khai ở Sài Gòn, được tổ chức tại vùng giải phóng năm 1967 - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu
|
Dựa vào dân, khơi lên tinh thần và sức mạnh của dân, phát huy đúng tiềm năng và lợi thế của vùng đất, ông Mười Cúc và tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố kiên định quyết tâm thay đổi để có những thành quả góp phần thay đổi diện mạo đất nước, và đặc biệt là sử dụng những thành quả đó phụng sự cho đời sống người dân.
Theo PGS - TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công đầu khởi xướng, kiến tạo đường lối đổi mới, trong đó TP.HCM là một thực tiễn phong phú để hình thành và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Sau ngày thống nhất đất nước, việc đánh giá đúng con người thành phố là hết sức quan trọng, nếu không thì khó lòng tìm ra được kế sách và chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cũng có một cuộc đấu tranh giữa bảo thủ, trì trệ với đổi mới cách nghĩ, cách làm. Cuộc đấu tranh này diễn ra gay gắt, có lúc bất phân thắng bại, thậm chí còn bị ngộ nhận, chụp mũ.
Nhưng nhờ tin dân, trọng dân, vì dân, những cách “làm lén”, “xé rào” vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhìn nhận, trong 10 năm đầu đất nước thống nhất (1975 - 1986), so với tiến trình lịch sử dân tộc là rất ngắn nhưng đây là giai đoạn quan trọng, mang tính lịch sử của đất nước và thành phố.
Ông Mười Cúc đã sớm phát hiện ra những nguyên nhân gây nên trì trệ trong sản xuất và khởi xướng thay đổi. Sau một thời gian ngắn, tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn có những bước chuyển động lớn, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất bung ra, giúp nhiều xí nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện.
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng liên tục, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm thời kỳ 1980 - 1985 đạt 8,17% so với 2,18% thời kỳ 1978 - 1980. Thu ngân sách thành phố năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.
TBT Nguyễn Văn Linh đã kiến tạo con đường đổi mới để TP.HCM và cả nước phát triển - Ảnh một góc Sài Gòn: Độc Lập
|
Nhiều năm sau này và trong thời điểm hiện tại, với nguồn lực đầu tư tăng mạnh, hội nhập mở rộng, kinh tế TP.HCM tăng trưởng bình quân trên dưới 10%/năm.
Nói vậy để thấy, kết quả đạt được trong “hoàn cảnh hiểm nghèo” ý nghĩa như thế nào.
Sau này, chính ông Mười Cúc đúc kết: “Sở dĩ kinh tế thành phố vững vàng vì nó được trả về vị trí vốn có của nó: thành phố của công nhân, của công nghiệp, của khoa học kỹ thuật; thành phố trẻ - cả về sinh lực, tâm hồn và óc sáng tạo”.
Theo đánh giá của ông, “chính chúng ta đã kịp đề ra sáng kiến khắc phục”, “nhìn chung là chúng ta đưa nền kinh tế vận hành theo quy luật khách quan của nó”.
Trong “chúng ta” ấy, ông là một HẠT NHÂN, một ĐIỂM SÁNG, một ĐỘNG LỰC, một KHỞI ĐẦU.
Luôn hướng đến sự mẫu mực
Khi nhận trọng trách Tổng bí thư, ông Nguyễn Văn Linh bỏ việc dùng chuyên cơ khi không cần thiết, không cho xe hụ còi dẹp đường khi đi lại trong thành phố, tự tay duyệt danh sách cán bộ đi kèm khi đi công tác nước ngoài… để tránh lãng phí, phô trương hình thức.
Ông từng viết: “Quan liêu không phải là bản chất của chế độ nhưng lại là bệnh lây lan trong điều kiện Đảng cầm quyền. Biểu hiện của nó ở thành phố là một số bộ phận, một số người quên cội nguồn sức mạnh của cách mạng là quần chúng, chỉ biết cấp trên mà không biết quần chúng, nguội lạnh trước những khó khăn bức xúc của sản xuất và đời sống mà quần chúng đang mong chờ Đảng quan tâm giải quyết”.
|
Bình luận (0)