Sáng 8.1, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã tham dự hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương tổng kết KT-XH năm 2024, nhiệm vụ năm 2025.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn", thậm chí có thời điểm "bão tố" ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới.
TINH GỌN BỘ MÁY LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại các thành tựu KT-XH lớn và cho hay "đất nước giàu mạnh thì người dân phải được thụ hưởng thành quả này. Không chỉ có mục tiêu tăng trưởng mà làm sao phải nâng cao đời sống của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và bất cập nghiêm trọng, như hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai và tài nguyên còn lớn.
Hệ thống thể chế, pháp luật còn nhiều bất cập, đặc biệt trong quy định về đất đai, môi trường và thủ tục hành chính, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân. Việc phân cấp, phân quyền chưa hiệu quả, với quá nhiều quyền lực tập trung ở cấp T.Ư, bộ, ngành. Nhiều cơ quan hành chính chưa thực hiện đúng trách nhiệm, làm chậm tiến độ các dự án quan trọng. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản đôi khi bị xâm hại do sự yếu kém hoặc lạm quyền trong thực thi công vụ...
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, theo Tổng Bí thư, đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để vững bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. Cạnh đó, việc tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính ngân sách, quản lý tài nguyên.
Đặc biệt, cần bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tạo không gian mới và động lực phát triển. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới và thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội. Khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế.
"KHOÁN TĂNG TRƯỞNG" CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu then chốt theo phương châm "phát triển để ổn định - ổn định để phát triển". Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, cần coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp.
Cạnh đó, cần cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Thực hiện chính sách "khoán tăng trưởng" cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền... Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược như 3.000 km đường bộ cao tốc, hơn 1.000 km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ban hành và thực thi lộ trình giải pháp giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn gồm Hà Nội và TP.HCM.
Đặc biệt, Tổng Bí thư đưa ra các câu hỏi gợi mở về việc chuẩn bị "tổ" cho "đại bàng" và cho biết giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó...
Tổng Bí thư đề nghị từng lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức thấm nhuần tư tưởng trung tâm "kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc", coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết sách và là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn tới. "Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với nhân dân", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
CHÍNH PHỦ TINH GỌN 30% ĐẦU MỐI
Phát biểu đáp từ và kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2025 Chính phủ sẽ tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm đi vào hoạt động bình thường, thông suốt, hiệu quả. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương.
Về đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, Thủ tướng cho biết, đến nay các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài. Ngoài ra, khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng...
GDP tăng 8 - 10% năm 2025
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ hoàn thành việc sắp xếp bộ máy các cơ quan của Chính phủ trong tháng 2.2025. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay sẽ khẩn trương triển khai các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trong năm 2025 để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Vành đai 4 và đường sắt đô thị.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì cho biết, thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện đã có 9 cầu). Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu là Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc; tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu, gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi.
Bình luận (0)