Đổi mới văn hóa theo xu hướng thế giới

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/03/2023 07:09 GMT+7

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, cần mau chóng đổi mới văn hóa theo xu hướng thế giới như phân quyền, tăng hậu kiểm, quan tâm đến quyền văn hóa của nhân dân.

Bỏ tư duy cũ để chuyển giao thế hệ

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 là thời điểm quyết định đến số phận nghệ thuật của cả nền văn nghệ Việt Nam. Khởi thảo của Tổng bí thư Trường Chinh từ 1943 cũng đặt nền cốt cho quan điểm của Đảng về văn hóa phát triển.

Mặc dù vậy, ông Đoàn vẫn cho rằng cần có những đổi mới về văn hóa. "Quản lý nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc cấp phép nhưng phải hình thành một hội đồng chuẩn mực, có nghề, có tâm; nếu không, sẽ liên tục có tai nạn khi hội đồng duyệt không hiểu. Nghệ thuật và nghệ sĩ ngày càng trẻ thì việc không thay đổi cách tiếp cận của bộ máy cũ sẽ khiến mọi việc thành khó", ông Đoàn nói.

Đổi mới văn hóa theo xu hướng thế giới  - Ảnh 1.

Một số tác phẩm mỹ thuật, tranh địch vận, mang tinh thần Nghệ sĩ là chiến sĩ

Bảo tàng Mỹ thuật VN

Ông cũng cho rằng nghệ thuật hiện thực chưa bao giờ cũ, nhưng bây giờ lại có thêm những con đường khác, những khuynh hướng sáng tác khác và phải chấp nhận, làm quen với những điều càng ngày càng khác đó. "Nhiệm kỳ này của tôi chứng kiến sự chuyển giao thế hệ. Người trẻ hay và hay hơn cả người đi trước, nghệ thuật đương đại thay đổi nhanh. Nếu như trước đây để thế hệ đi trước thừa nhận thế hệ đi sau hay hơn mình là khó khăn thì bây giờ phải thay đổi cách nghĩ đó. Phải thừa nhận và tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ tự tin, can đảm dấn thân vào lộ trình sáng tạo mới. Phải làm việc sang vai cho nghệ sĩ trẻ, để họ lãnh sứ mệnh đó của nghệ thuật đương đại", ông Đoàn nói.

Trong khi đó, đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới UNESCO, lại nhắc tới việc cần đổi mới văn hóa qua đổi mới cơ chế quản lý hành chính với văn hóa. "Có thay đổi cơ chế hành chính này mới gỡ bỏ được ràng buộc với sáng tạo. Đầu tiên là đổi mới trong lĩnh vực đào tạo, có nghĩa là bổ sung thêm, làm giàu thêm giáo trình nghệ thuật. Đó là cái tối thiểu nhất", ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, cần đổi mới cách thức quản lý nhà hát và đơn vị nghệ thuật đang rất quan liêu. Theo ông, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật nhà nước dù làm hay không vẫn nhận được số tiền cố định hằng năm. "Nếu tiền đầu tư đó làm thành quỹ, các nghệ sĩ phải cạnh tranh để được đầu tư thì sẽ hiệu quả hơn. Với đổi mới này, toàn bộ hệ thống sáng tạo sân khấu sẽ được kích hoạt. Việc casting sẽ mang cơ hội công bằng cho các diễn viên", ông Dương nói.

Đổi mới văn hóa theo xu hướng thế giới  - Ảnh 2.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam đặt nền tảng cho văn hóa phát triển

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Xu thế quản lý văn hóa trên thế giới, khơi thông nguồn lực

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nhận định muốn văn hóa thành nguồn lực phát triển, bản thân văn hóa phải phát triển bền vững, bản thân văn hóa phải lành mạnh và văn minh. "Tuy nhiên, chúng ta đang thấy rất nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến văn hóa, từ sự xuống cấp đạo đức xã hội, mê tín dị đoan hay nhiều thói hư tật xấu khác trong xã hội. Tất cả đều có nguyên nhân từ văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về sự xuống cấp của văn hóa lại bắt nguồn từ các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ...", ông Sơn nói.

Xây dựng môi trường văn hóa số trong giai đoạn phát triển mới

Tối 28.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình do Bộ VH-TT-DL chủ trì, Ban Tuyên giáo T.Ư, Đài truyền hình VN phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa VN" (1943 - 2023).

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng cho rằng 80 năm qua, Đề cương về Văn hóa VN tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn VN để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Cũng theo Thủ tướng, cần xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh VN.

TTXVN

Theo ông Sơn, cách thức xử lý những vấn đề về văn hóa của chúng ta dường như chưa triệt để. Tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là internet với mạng xã hội. "Cách quản lý văn hóa của thời kỳ bao cấp nặng về xin - cho, thụ động, chỉ đợi 8 giờ đến mở cửa, 17 giờ đóng cửa, không quan tâm đến phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu... vẫn còn rơi rớt đến tận ngày hôm nay. Những thành tựu lý luận đổi mới về chính trị, về kinh tế chưa được chuyển tải vào trong lĩnh vực văn hóa", ông nói.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn đề xuất theo xu thế quản lý văn hóa trên thế giới như phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm, quan tâm đến quyền văn hóa của nhân dân hơn.

Ông Sơn nói: "Vì thế, nhất thiết chúng ta phải tiến hành một công cuộc đổi mới về văn hóa. Đổi mới ấy cần bắt nguồn từ quyết tâm, hành động cụ thể, hiệu quả rõ ràng cho văn hóa. Đổi mới ấy cần được thực hiện bởi việc khơi thông mọi nguồn lực, đặc biệt là của nhân dân, cho phát triển văn hóa. Đổi mới ấy cần tạo ra sự tự tin và bản lĩnh Việt Nam từ văn hóa, bằng văn hóa trong hội nhập quốc tế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.