Đến hẹn lại lên, người dân và du khách khắp nơi kéo nhau về Nam Định dự phiên chợ Viềng mở một phiên mỗi năm từ đêm mùng 7 tới sáng sớm ngày 8 tháng Giêng.
Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban tổ chức Hội chợ Viềng Xuân 2017 cho biết, bình quân mỗi năm, có trên 3 vạn người tìm về dự phiên chợ Viềng “mua may, bán rủi” được tổ chức tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản. “Riêng năm nay, do phiên chợ họp vào ngày cuối tuần nên dự tính sẽ đông hơn”, ông Kỳ thông tin.
Từ chiều 3.2, dòng người chen chúc đổ về chợ Viềng Vụ Bản Ảnh Văn Đông
Còn theo Công an tỉnh Nam Định, ngoài lực lượng tại chỗ của Công an huyện Vụ Bản, Công an tỉnh Nam Định đã huy động gần 400 cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo an ninh trật tự và nhất là an toàn giao thông ở chợ Viềng. Trên các tuyến đường dẫn vào chợ, Công an Nam Định đã thành lập 14 chốt giao thông và 8 tổ tuần tra cơ động tại các ngã ba, ngã tư để điều tiết, phân luồng phương tiện.
Tuy nhiên, ngay từ 13 giờ ngày 3.2, tất cả các tuyến đường đổ về chợ đã chật cứng như nêm. Tình trạng ách tắc kéo dài diễn ra tại tỉnh lộ 56, là đường trục chính dẫn vào chợ.
Đến 20 giờ, chợ Viềng đã đông chặt người Ảnh Văn Đông
Từ 18 giờ, xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ đoạn từ quốc lộ 21B vào đến tỉnh lộ 56, đến 20 giờ, tất cả các tuyến đường lớn nhỏ dẫn vào chợ Viềng đều tắc. Dòng người nhích từng bước một hướng về phiên chợ cầu may. Anh Lê Thanh Hùng, một du khách từ Hà Nội về cho biết: “Dự đoán là chợ Viềng năm nay sẽ đông, tôi tranh thủ đi chợ từ đầu giờ chiều. Nhưng đi từ Hà Nội về Nam Định mất có 2 giờ, còn đi có 5 km từ đầu tỉnh lộ 56 vào chợ mất gần 2 giờ. Năm nay người đi chợ Viềng và Phủ Dầy đông quá”.
Từ 22 giờ, trời rét đậm và bắt đầu có mưa, nhưng dòng người đổ về chợ Viềng ngày càng đông để mong có mặt ở chợ vào khoảng khắc chuyển giao sang ngày mới, thời điểm được cho là tốt nhất để “bán rủi, cầu may”. Nhiều người tìm đường tắt đi qua cánh đồng, thậm chí lội qua ruộng.
Bất chấp mưa rét, dòng người không ngừng đổ về chợ Viềng Ảnh Văn Đông
Đến hơn 23 giờ, trong chợ Viềng chật như nêm cối. Người dân, du khách khoác áo mưa, chen chúc tìm đến các hàng cây giống, hàng bán đồ nông cụ như quang gánh, liềm, cày cuốc, cây cối… để tìm mua một thứ lấy may. Đặc biệt, hàng thịt bê thui được bán khắp các nẻo đường dẫn vào chợ Viềng. Nhiều năm nay, những người đến chợ quan niệm mua được một cân thịt bê thui chợ Viềng về ăn sẽ đem lại may mắn cho cả gia đình trong năm mới. Vì vậy, dù giá bê thui ở chợ Viềng đắt hơn vài chục nghìn so với thị trường (khoảng trên 300.000 đồng/kg) nhưng vẫn đông chặt khách.
Bê thui trở thành một "đặc sản" của chợ Viềng Ảnh Văn Đông
Đến 5 giờ sáng ngày 4.2, chợ Viềng vẫn đông chặt người. Sau khi du ngoạn chợ đêm, tìm mua được một vật dụng cầu may, phần lớn du khách đều tìm đến Phủ Dày gần đó để đi lễ, cầu mong một năm mới an lành.
Mỗi người đến chợ đều mua một cây giống hay vật dụng để lấy may Ảnh Văn Đông
Cùng thời điểm đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng, tại Nam Định cũng diễn ra phiên chợ Viềng cầu may tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Theo người dân địa phương, chợ Viềng cầu may có gốc tích ở huyện Vụ Bản. Cách đây vài chục năm, người dân vùng phía Nam tỉnh Nam Định vì mưa to, gió lớn không vượt được sông Đào về dự chợ nên dừng ở bên kia sông, tự lập thêm một chợ Viềng thứ 2 tại huyện Nam Trực.
(TNO) Đêm mùng 7 tháng giêng (25.2), tại Nam Định diễn ra phiên chợ Viềng độc đáo một năm chỉ họp một đêm tại xã Trung Thành (huyện Vụ Bản) và thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực).
Bình luận (0)