Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/06/2018 15:37 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII, do Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức ngày 29.6.

Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII, do Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức sáng 29.6 theo hình thức trực tuyến, các đại biểu đã nghe ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 26 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Đánh giá về thực trạng cán bộ và công tác cán bộ sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ông Chính nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, ông Chính cũng chỉ ra nhiều khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ. Cụ thể, ông Chính cho rằng, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh.
Số liệu cho thấy, năm 1997, chúng ta có có 1.351.900 cán bộ, công chức, viên chức trong khi dân số khoảng 77 triệu người. Năm 2017, có 2.726.917 cán bộ, công chức, viên chức (tăng 100%) trong khi dân số khoảng 92 triệu người (chỉ tăng 20% so với năm 1997). 
Tài liệu tại hội nghị cho biếtcấp tướng trong lực lượng vũ trang tăng nhanh. Số lượng sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang tháng 5.1975 có 92 người (quân đội có 90 người, công an có 2 người); tháng 6.1997 có 298 người (quân đội 284 quân đội, công an 14); hiện nay có 627 người (quân đội 380 quân đội; công an 247).
Theo quy định của luật, có 606 người (401 quân đội, 205 công an). Riêng số lượng tướng công an trong 20 năm qua tăng hơn 17 lần; biên chế toàn ngành trong 10 năm qua tăng bình quân gần 10.000 người/năm.

Trong khi đó, cơ cấu giữa các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền chưa hợp lý. Trong cán bộ cấp chiến lược thì chuyên gia ngành kinh tế luật chiếm tới 60,49%; trong khi ngành khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế là 16,56%, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước là 8,36%.
Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra nhiều nơi, thiếu liên thông giữa các cấp, các ngành; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số ban, ngành, địa phương và trong lực lượng vũ trang còn cao.
Tỷ lệ cán bộ cấp chiến lược dưới 45 tuổi chiếm 7,18%, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, diện ban thường vụ quản lý dưới 40 tuổi chiếm 1,81%, diện ban chấp hành quản lý chiếm 7,85%.
Trong khi đó, cán bộ diện T.Ư quản lý ở ban, bộ, ngành từ 56 tuổi trở lên chiếm 56,86%; diện ban thường vụ cấp tỉnh quản lý từ 51 - 55 tuổi chiếm 44,54%, từ 56 tuổi trở lên chiếm 23,22%; cấp tổng cục từ 51 - 55 tuổi là 46,83%, từ 56 tuổi trở lên là 32,78%.
Tình trạng cán bộ thoái hóa, tham nhũng còn diễn biến phức tạp
Bên cạnh đó, ông Chính cũng cho biết, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thoái hóa, biến chất, không làm tròn bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước những khó khăn của người dân, cục bộ địa phương.
Tình trạng cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, chậm được khắc phục; một số cán bộ tính Đảng kém, bộc lộ tham vọng cá nhân, kèn cựa địa vị, gia trưởng, độc đoán, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, không muốn từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Các đại biểu tham dự hội nghị ngày 29.6 Ảnh Lê Hiệp
Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước tính Đảng yếu, suy thoái, lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2007 đến 2017, trong các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đã phát hiện 7.190 vụ vi phạm, trong đó 289 vụ phải xử lý hình sự, 1.715 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng, 181 người phải xử lý bằng pháp luật.
Ông Chính cũng nhấn mạnh, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội còn xảy ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành nhưng chậm được ngăn chặn và đẩy lùi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền
Ông Chính cũng nêu rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết T.Ư 7 về công tác cán bộ. Cụ thể, đến năm 2020 sẽ thể chế hóa cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, ông Chính cũng nhấn mạnh, mục tiêu tới năm 2020 sẽ đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Ông Chính cũng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Theo ông Chính, hiện nay chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó việc thành thạo ngoại ngữ là vấn đề rất quan trọng. “Khi đưa vấn đề này ra bàn, nhiều anh em nói rằng làm như vậy rất khó. Tuy nhiên, khó chúng ta vẫn phải làm”, ông Chính khẳng định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.