Các loại 'chạy' trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/06/2018 14:28 GMT+7

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) nêu nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, nhưng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác này.

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay do ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trình bày tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng 25.6, khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về PCTN.
Vẫn còn tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTN, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn” bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm “chậm lại” sự phát triển.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đấu thầu...
Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn còn hạn chế. Các loại “chạy” trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Ở một số bộ, ngành, địa phương việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm vi phạm quy định pháp luật về PCTN.
Ông Trạc cũng nhấn mạnh, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác PCTN; tham nhũng “vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, “một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”.
Kỷ luật Đảng phải nghiêm hơn pháp luật
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Trạc nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN.
Tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách.
“Hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước phải tạo ra được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; một cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng”, ông Trạc nêu.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Cần đặt kỷ luật của Đảng lên trước pháp luật, nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải quán triệt và thực hiện phương châm: phòng ngừa, giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng”, ông Trạc nhấn mạnh.
Ông Trạc khẳng định, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị "tha hóa".
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng”, ông Trạc nhấn mạnh và nêu rõ, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.